X-Hub HN 038.365.1994
X-Hub HCM 0911.345.665

Không gian số 0: Từ không gian vật chất đến đời sống tinh thần

Không gian số 0: Từ không gian vật chất đến đời sống tinh thần

Không gian số 0: Từ không gian vật chất đến đời sống tinh thần

Tạo nên những không gian khơi dậy cảm xúc tích cực và cải thiện tinh thần con người là bài toán khó nhưng cũng là mục tiêu quan trọng của thiết kế kiến trúc, nội thất. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, các nhu cầu tinh thần ngày càng được quan tâm sâu sắc hơn. Chủ đề này đã được đưa vào dự án nghiên cứu của Công ty TNHH MTV Tho.A (Atelier Tho.A) cho chương trình ALP 2021 - 2022 với đề tài “ZU - Không gian số 0: Hướng tới tái cấu trúc không gian đô thị hiện hữu”.

Không gian số 0 là gì?

ZU – Zero Unit, còn gọi là Không gian số 0, được nhóm nghiên cứu định nghĩa là những không gian không được xác định bởi chức năng cụ thể, được kiến tạo một cách linh hoạt để đáp ứng nhu cầu tinh thần của người sử dụng.

Không gian số 0 có thể là những cấu trúc không được tính toán ngay từ khâu thiết kế ban đầu nhưng sau đó trở thành sự bổ sung thích nghi với yêu cầu mới.

Với dự án nghiên cứu “ZU - Không gian số 0: Hướng tới tái cấu trúc không gian đô thị hiện hữu”, mục tiêu nghiên cứu của Atelier Tho.A là tìm hiểu các nhu cầu tinh thần của người sử dụng chưa được đáp ứng trong kiến trúc, từ đó đề ra định hướng thiết kế, giải pháp bổ khuyết vào không gian hiện hữu; đồng thời tìm hiểu và ứng dụng các giải pháp tái sử dụng vật liệu. Từ những vấn đề được mở ra, nhóm nghiên cứu hướng đến mục tiêu giải được các bài toán có liên quan ở phạm vi đô thị.

KTS Phạm Nhân Thọ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tho.A nhận định: “Đô thị với cấu trúc hiện tại còn khá khô cứng, chưa đáp ứng được nhu cầu tinh thần của con người, đặc biệt là cuộc sống sau Covid cho thấy nhiều vấn đề cần cải thiện. Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất tìm lời giải cho các bài toán của đô thị, đi theo phương pháp “châm cứu”, nhằm giải tỏa huyệt đạo quan trọng còn ách tắc, qua đó khơi thông dòng suy nghĩ, kích thích các giải pháp mang tính sáng tạo, có tiềm năng tạo thay đổi lớn.”

Đồng thời, Atelier Tho.A cũng đặt ra vấn đề cần biện pháp làm mới, tận dụng hệ thống cũ tại các công trình để tránh lãng phí khi chỉ xóa bỏ và xây dựng mới hoàn toàn.

Theo PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương - Trưởng Khoa Nội thất, Đại học Kiến trúc Hà Nội; thành viên Hội đồng Chuyên môn ALP 2021 - 2022: “Concept chung cho “Không gian số 0” là ý tưởng khá mới mẻ và không dừng lại trong một ví dụ nào cả. Mỗi công trình và vị trí khác nhau vận dụng lý luận của Atelier Tho.A có thể mang đến tác phẩm cụ thể khác nhau. Việc truyền tải các giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc kiến trúc Việt Nam vào môi trường sống mới cũng là yếu tố cần được lưu ý.”

Atelier Tho.A đã triển khai đề tài này thông qua một số dự án thiết kế với quy mô khác nhau, tạo thành ZU series. Những dự án đó bao gồm không gian phòng trà, không gian vui chơi cho trẻ em… được hình thành ngay trong công trình hiện hữu, phục vụ đời sống tinh thần của chủ nhà và đều tận dụng các nguyên vật liệu tái chế, đã có sẵn. 

Phòng trà - Một dự án thuộc ZU series. Chức năng: Nơi tĩnh tâm, thư giãn của gia chủ, tạo nên sự khác biệt với các căn hộ chung cư cùng khu (Ảnh: Atelier Tho.A)

Ụ rơm - Một dự án thuộc ZU series. Chức năng: Sân chơi cho trẻ em trong khuôn viên vườn nhà gia chủ, làm từ gỗ tái sử dụng (Ảnh: Atelier Tho.A)

Trong khuôn khổ chương trình ALP 2021 - 2022, Atelier Tho.A thực hiện nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho showroom của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) tại tỉnh Bình Dương, với sự đồng hành của nhà tài trợ GROHE. Dự án này được gọi là ZU5.  

Tạo sức sống mới cho không gian công nghiệp

Bài toán của Atelier Tho.A là cải tạo một không gian nhà kho nằm ở ngay mặt tiền lối vào nhà máy TTF. Công trình đã xuống cấp phần bên ngoài và ít được quan tâm. Tuy nhiên, phần khung kết cấu và không gian bên trong vẫn chưa bị hư hại. Vị trí và hiện trạng công trình cho thấy tiềm năng cải tạo và nếu thành công có thể trở thành điểm nhấn cho nhà máy. Quan trọng hơn, chủ doanh nghiệp muốn hình thành một không gian góp phần nâng cao đời sống tinh thần của công nhân viên nhà máy, tăng tính gắn kết giữa người lao động và nơi làm việc.

Bài toán của Atelier Tho.A là cải tạo nhà kho thành không gian công cộng mới dành cho công nhân viên (Ảnh: Atelier Tho.A)

Nhóm thiết kế hướng đến mục tiêu cải tạo công trình thành một không gian linh hoạt dành cho sự nghỉ ngơi, thư giãn, thúc đẩy sự tương tác, giao lưu giữa công nhân viên với nhau và với công ty. Đó có thể là không gian triển lãm; nơi cung cấp cà phê và đồ ăn nhẹ; có thể là nơi tổ chức sự kiện hay xưởng thử nghiệm cho các nhà thiết kế của công ty. Đề xuất do Atelier Tho.A đưa ra là một công trình gồm 2 phần chính: không gian sinh hoạt linh động và không gian triển lãm cố định. 

Không gian linh động có thể khai thác nhiều chức năng đa dạng: Phục vụ cà phê kết hợp triển lãm sản phẩm nội thất của công ty, giúp người sử dụng trải nghiệm thiết kế và không gian một cách chất lượng nhất; văn phòng của các nhà thiết kế trẻ của công ty, tạo môi trường khuyến khích sự thử nghiệm, sáng tạo; workshop hướng dẫn thực hành thiết kế và gia công sản phẩm nội thất; đây cũng có thể trở thành nơi tổ chức sự kiện, talkshow như các buổi nói chuyện chuyên đề cho công nhân viên, họp mặt tri ân khách hàng hay điểm bắt đầu của các tour tham quan nhà máy…

Nhóm nghiên cứu định hướng xây dựng một không gian “trong suốt”, dễ dàng nhìn thấy bên trong nhằm cho thấy tính minh bạch, không ngại thể hiện sản phẩm và công ty, truyền tải sự cởi mở trong hình ảnh. Vật liệu thừa của nhà máy sẽ được tận dụng để xử lý bề mặt bên trong bức tường, cho thấy lịch sử công ty đồng thời tạo đời sống mới cho các “phế liệu”.

Định hướng công trình mới sẽ là không gian linh động có thể khai thác nhiều chức năng đa dạng và có thể dễ dàng tiếp cận (Ảnh: Atelier Tho.A)

Dự án sẽ tận dụng những nguyên vật liệu có sẵn tại nhà máy (Ảnh: Atelier Tho.A)

Mục tiêu của công trình là không chỉ tạo nên bản sắc riêng của công ty mà còn góp phần thay đổi suy nghĩ thông thường về các khu công nghiệp, cho thấy rằng một nhà máy khô cứng vẫn có thể sinh hoạt văn hóa và thúc đẩy đời sống tinh thần tích cực. Dự án kỳ vọng có thể truyền cảm hứng cho các nhà máy, khu công nghiệp nói chung trong việc đưa các không gian sống và làm việc tối ưu, cấu trúc hiện hữu kết nối với người lao động; xa hơn là hướng đến quy chuẩn hóa các thiết kế để dẫn đến khả năng tiếp cận rộng rãi, dễ đáp ứng cho người sử dụng.

Nhận định về dự án nghiên cứu của Atelier Tho.A, ông Nguyễn Tristan Chinh, Giám đốc điều hành kinh doanh toàn quốc LIXIL Việt Nam - Đại diện Nhà tài trợ GROHE cho rằng: “Đề tài về Không gian số 0 là một sự gợi mở sáng tạo nhưng nhiều thách thức. Tuy nhiên, dự án đã cho thấy tính thực tiễn thông qua các công trình đã được triển khai và thi công trong ZU series. Đề tài đã khai thác yếu tố cần thiết cho định hướng không gian sống tương lai của Việt Nam trong bối cảnh sức khỏe tinh thần ngày càng được đề cao và trở thành vấn đề cốt lõi của mỗi dự án kiến trúc, xây dựng. 

Đặc biệt, về phía GROHE, là một thương hiệu chú trọng vào sự phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên, GROHE đánh giá cao dự án “Không gian số 0” ở giải pháp sử dụng các vật liệu tái chế và cải thiện chất lượng của các không gian vốn có. Đồng hành cùng những dự án nghiên cứu như vậy cũng là một trong những chiến lược của GROHE nhằm góp phần tạo lập tương lai sống bền vững.”

Dự án nghiên cứu “ZU - Không gian số 0: Hướng tới tái cấu trúc không gian đô thị hiện hữu” của Công ty TNHH MTS Tho.A (Atelier Tho.A) dự kiến sẽ công bố kết quả vào tháng 07/2022 trong chuỗi sự kiện của chương trình ALP 2021-2022 bao gồm: Hội thảo khoa học, Triển lãm Pavilion,... cùng nhiều hoạt động thú vị khác.  

———————————–

Về chương trình ALP

Architecture Leader Perspective (ALP) được khởi xướng và tổ chức từ năm 2016 bởi LIXIL Việt Nam, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Năm 2021 – 2022, chương trình mở rộng quy mô và tăng thêm tính chuyên sâu bởi sự bảo trợ từ các đơn vị: Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh; Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (SACA); Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; UBND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Chương trình được hỗ trợ truyền thông bởi các cơ quan truyền thông đầu ngành như: Kiến Việt, Tạp chí Kiến trúc, Tạp chí Nhà Đẹp,… 

Thông qua các hoạt động kết nối, tương tác, nghiên cứu chuyên sâu, ALP 2021 – 2022 kiến tạo một nền tảng chung để các công ty kiến trúc, kiến trúc sư, chủ đầu tư, chuyên gia trong ngành Kiến trúc – Xây dựng cùng hợp tác đem tới giải pháp, đề xuất giải quyết các vấn đề trong thực tiễn môi trường xây dựng tại Việt Nam, hướng đến tương lai không gian sống tối ưu cho người Việt.

Xem thêm chi tiết chương trình tại: http://alplixil.com/ 

———————————–

Về LIXIL

LIXIL là nhà sản xuất tiên phong các sản phẩm về Công nghệ nước và Vật liệu Xây dựng cho nhà ở giúp giải quyết các thách thức hàng ngày, hiện thực hóa giấc mơ về một ngôi nhà hoàn thiện hơn cho mọi người, ở mọi nơi. Là công ty toàn cầu, LIXIL có hoạt động tại hơn 150 quốc gia. Thừa kế di sản Nhật Bản, LIXIL tạo ra công nghệ hàng đầu thế giới và đổi mới để đem đến các sản phẩm chất lượng cao, giúp cải tiến ngôi nhà. Nhưng sự khác biệt của LIXIL nằm ở cách công ty thực hiện điều này; thông qua thiết kế có ý nghĩa, tinh thần doanh chủ, cống hiến để cải thiện khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người và tăng trưởng kinh doanh có trách nhiệm.

Tại Việt Nam, LIXIL hiện diện với 4 thương hiệu GROHE, INAX, American Standard và TOSTEM với 11 nhà máy, hơn 3,300 nhân viên và hơn 8,000 hệ thống cửa hàng trên toàn quốc.

———————————–

Về GROHE

GROHE là thương hiệu dẫn đầu toàn cầu về các giải pháp hoàn thiện phòng tắm và bếp. Để mang đến trải nghiệm "Pure Freude an Wasser" - Tận hưởng sự tinh khiết của dòng nước, mọi sản phẩm GROHE đều được phát triển dựa trên bốn giá trị cốt lõi: chất lượng, công nghệ, thiết kế và phát triển bền vững.

GROHE đảm nhận trách nhiệm xã hội một cách nghiêm túc và tập trung vào chuỗi giá trị tiết kiệm tài nguyên. Từ tháng 4/2020, lĩnh vực sản xuất trên toàn thế giới của GROHE đã đạt mức CO2 trung tính. GROHE cũng đặt mục tiêu sử dụng bao bì sản phẩm không chứa nhựa từ năm 2021.

GROHE là công ty đầu tiên trong ngành nhận được giải thưởng trách nhiệm cộng đồng - CSR của chính phủ Liên Bang Đức và Giải phát triển bền vững của Đức năm 2021 trong các hạng mục “Tài nguyên” và “Thiết kế”. Là một thương hiệu trong danh sách “Top 50 công ty tiên phong về bền vững và khí hậu”, GROHE cũng thực hiện rất nhiều hoạt động thúc đẩy sự phát triển bền vững.






Tin tức liên quan

Tin tức mới