Kiến trúc và khởi nghiệp, đâu là con đường dẫn đến thành công?
Với một ngành như Kiến trúc - Thiết kế, làm sao để nhà kinh doanh dung hòa cả hai yếu tố: thương mại và sáng tạo nghệ thuật?
Không chỉ Kiến trúc mà đối với mọi ngành, đến một giai đoạn người làm nghề sẽ phải chọn lựa hai hướng đi: một là phát triển thành một chuyên gia, hai là dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Tập 2 của ALP Mini-talk (Mùa 3): The Un-Gap | Không khoảng cách - chuỗi podcast chuyên đề dành cho cộng đồng Kiến trúc - Thiết kế tại Việt Nam sẽ dẫn dắt người xem nhìn sâu hơn về câu chuyện khởi nghiệp đối với ngành kiến tạo không gian.
Có 31 năm vừa là Kiến trúc sư, vừa là doanh nhân, là một trong 3 nhà sáng lập công ty TTT Architects, KTS. Trần Khánh Trung quan niệm quản trị kinh doanh cần đi sâu vào việc xây dựng bộ máy nhân sự. Trái lại, NTK Lại Chính Trực, người với 6 năm thành lập Red5 Studio - một công ty thiết kế nổi lên gần đây trong phân khúc F&B tin rằng giá trị cốt lõi doanh nghiệp chính là tìm kiếm được cá tính của công ty.
Khoảng cách về tuổi tác, quan điểm, hay những trải nghiệm cá nhân giữa KTS. Trần Khánh Trung và NTK. Lại Chính Trực đã mang đến một buổi trò chuyện đa chiều, nhiều tầng thú vị mà ở đó, nếu lắng nghe kĩ, chúng ta có thể tìm ra những “Không khoảng cách”.
Câu chuyện khởi nghiệp của hai Kiến trúc sư bắt đầu như thế nào?
KTS. Trần Khánh Trung: Tôi ra trường vào năm 1986, sau đó đi làm nhà nước, rồi làm thuê cho một vài doanh nghiệp tư nhân. Sau một thời gian, tôi cảm thấy đủ tự tin để có thể mở một doanh nghiệp riêng thì may mắn gặp được hai người bạn cùng chí hướng và cả ba cùng nhau khởi nghiệp, thành lập công ty TTT, đó chính xác là năm 1992. Rồi từ đó TTT phát triển dần lên và ổn định đến ngày hôm nay. Hai trong 3 thành viên sáng lập thời điểm đó là Kiến trúc sư, nhưng sau đó chỉ mình tôi gắn bó với công việc Thiết kế, 2 người còn lại đảm nhiệm công việc khác.
NTK. Lại Chính Trực: Việc mình khởi nghiệp mình hay đùa rằng đó là một câu chuyện sau khủng hoảng. Mình ra trường với tấm bằng Thiết kế Nội thất. Nhưng 3 tháng sau khi nộp đơn xin việc vào rất nhiều công ty, mình đều không được nhận. Sau đó mình đi làm Thiết kế cho các sự kiện. Sau 2 năm, mình thực sự cảm thấy không còn muốn theo nghề, vì Thiết kế sự kiện không có giá trị lâu dài. Rồi mình đánh liều khởi nghiệp công ty Thiết kế. Rất may mắn là vào thời điểm đó, rất nhiều anh chị cùng nghề giúp đỡ mình, mình đi lên từ những dự án rất nhỏ. Vậy là công ty cũng trụ được 6 năm đến bây giờ.
Những khó khăn nhà khởi nghiệp Kiến trúc dễ gặp phải cũng như cách để vượt qua nó?
KTS. Trần Khánh Trung: Thời điểm chúng tôi khởi nghiệp là giai đoạn Việt Nam vừa mới mở cửa, tất cả đều mới. Khách hàng nước ngoài nhiều trong khi năng lực người Việt Nam còn đang rất thấp chưa đáp ứng được yêu cầu của họ. Trước đó, việc tiếp thu những gì mới mẻ ngoài thế giới vẫn còn ít lắm, đặc biệt là thời đó không được học tiếng Anh, tôi học 5 năm trong trường Kiến trúc là học tiếng Nga, xã hội cũng chưa hề có internet, vẽ thì vẽ bằng tay chưa có vẽ máy. Tất cả mọi thứ đều không thể so sánh với thời bây giờ. Thời điểm đó ngân hàng ở Việt Nam cũng còn rất ít, chuyện vay vốn ngân hàng càng gần như không có. Vốn đầu tư của TTT ban đầu chỉ đúng 100 USD. Bằng nỗ lực học hỏi cộng với may mắn, chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn đó và đi đến bây giờ.
NTK. Lại Chính Trực: Trái lại với KTS. Trần Khánh Trung, thời mình khởi nghiệp, mọi thứ xem như được “mở tan hoang”. Điều đó kéo theo sức cạnh tranh cực kỳ lớn. Rất nhiều công ty Kiến trúc - Thiết kế mọc lên. Mình lúc đó có hai yếu điểm, một là chưa có mối quan hệ, hai là chưa có kinh nghiệm do thời điểm bắt đầu mình làm trái ngành. Tất cả sai lầm của mình đều phải trả giá bằng tiền. Phải sau 3 năm, sau rất nhiều lần sai và sửa chữa, mình mới bắt đầu hiểu được đích đến và phong cách của mình. Mình tìm cách để định hình cho studio và may mắn có một chỗ đứng ở ngành F&B. Điều khó khăn lớn nhất của mình là bài toán kinh tế, làm cách để duy trì vốn và cân bằng giữa cái mình thích và cái có thể kiếm ra tiền; vì ít nhất mình luôn muốn nhân sự của công ty có đủ lương để duy trì cuộc sống.
Ranh giới giữa "mở doanh nghiệp, kiếm tiền" và "sáng tạo ra cái mới" đối với nhà khởi nghiệp Kiến Trúc?
KTS. Trần Khánh Trung: Thứ nhất, chúng ta cần lựa chọn khách hàng. Có 1 năm TTT làm rất nhiều dự án, nhưng cuối cùng không lời. Khi khởi nghiệp, mình phải biết đâu là những khách hàng phù hợp với doanh nghiệp của mình tại giai đoạn đó. Thứ hai, mình phải luôn có trách nhiệm, dù gặp bất kỳ khó khăn nào cũng phải hết mình với dự án. Hãy nên nhớ với ngành Kiến trúc, khách hàng của mình là khách hàng sau cùng, tức là người sử dụng và trải nghiệm không gian chứ không phải là khách hàng mà mình ký hợp đồng. Ở ngành này, chúng ta luôn cần xác định rõ “đâu là dự án làm để sống, đâu là dự án làm để sướng”. Dự án nào mình thấy thích và say mê thì xem đó là dự án để “sướng”, mình sẽ đầu tư chất xám nhiều hơn. Còn dự án nào để “sống” mình vẫn làm, nhưng sẽ ở mức đúng theo yêu cầu khách hàng.
NTK. Lại Chính Trực: Khi mình muốn làm một công trình có giá trị thì thời gian đầu có thể sẽ khá khó khăn, vì không ai dám đưa cho mình làm những cái lớn, điều đó ảnh hưởng đến việc mình sẽ không có nguồn thu. Tuy nhiên, mình không có tham vọng làm quá nhiều công trình nên mình sẽ kiên định lựa chọn những dự án là thế mạnh để tập trung phát triển. Dù ban đầu ít, nhưng chắc chắn sẽ tăng dần.
Đâu là những kinh nghiệm xây dựng và quản trị công ty mà cả hai tâm đắc?
KTS. Trần Khánh Trung: Việc giữ chân nhân viên ở TTT không phải chỉ bằng lương bổng mà còn từ nhiều ứng xử nhỏ nhặt khác. Một câu chuyện về quản trị nhân sự ở TTT mà tôi có thể chia sẻ đó là câu chuyện về đại dịch COVID-19 tại Việt Nam năm 2021. TTT không cắt lương nhân viên chỉ cắt lương của ban giám đốc và quản lý cấp cao. Thời điểm đó, TTT có hơn 500 nhân viên và công ty bắt buộc phải tìm kiếm vacxin để tất cả nhân viên đều được chích ngừa. Ngoài ra, TTT đã thuê bác sĩ để hàng ngày gọi điện tư vấn cho từng nhân viên bị nhiễm đang tự chữa tại nhà. Những chuyện nhỏ nhặt nhưng có thể giúp người nhân viên cảm thấy quý công ty. Bởi khi mà một công ty đủ lớn thì nó sẽ trở thành một xã hội thu nhỏ, BGD không chỉ quan tâm đến công việc của nhân viên mà còn phải chú ý đến cuộc sống của họ, gia đình của họ nữa.
NTK. Lại Chính Trực: Điều mình thấy tự hào và là thế mạnh của bản thân là mình biết quan sát và kết luận được thị trường. Nhờ điểm mạnh đó mà ngay từ lúc bắt đầu, mình xây dựng công ty theo kiểu ‘Thiết kế theo câu chuyện’, và người chủ công ty sẽ là người kể câu chuyện đó. Và khi mình bắt đầu và kiên định với việc xây dựng công ty như thế thì hiện tại mọi người đã đến với mình là nhờ điều đó.
Tố chất và bài học cần có của những nhà khởi nghiệp Kiến trúc là gì?
KTS. Trần Khánh Trung: Tôi không phải là người có đủ tố chất khởi nghiệp nhưng khi kết hợp với hai người bạn nữa, nó tạo ra điều kiện tốt nhất. Khi ra đời mình phải nhìn ra đâu là sở trường, đâu là sở đoản và phải tìm được người lấp vào sở đoản của mình nếu muốn khởi nghiệp. Ví dụ như các bạn thiết kế rất giỏi nhưng lại không có năng lực giao tiếp khách hàng, thì bạn phải đi tìm người có năng lực đó để hợp tác. Chuyên môn giỏi và có khả năng giao tiếp là hai yếu tố quan trọng nhất để có thể khởi nghiệp. Những người cộng tác với nhau khi khởi nghiệp cũng cần phải hài hòa với nhau thì mới tồn tại lâu dài được. Tại sao TTT trải qua 31 năm mà ba sáng lập viên vẫn còn gắn bó với nhau đến giờ? Câu trả lời nằm ở chỗ: thứ nhất cả ba thành viên đều đang bù đắp các khiếm khuyết cho nhau, thứ hai cả ba không bao giờ quá quan trọng về tiền. Tiền bạc là chuyện luôn luôn nằm ở thứ yếu, quan trọng là cả ba đều cùng chí hướng, rất say mê với nghề.
NTK. Lại Chính Trực: Đầu tiên, bạn phải làm rõ mục đích của việc khởi nghiệp. Bên cạnh tiền, bạn phải biết hướng công ty của mình đến cái đích nào, cá tính của studio bạn là gì. Nếu được thì các bạn nên khởi nghiệp từ khoảng 28 tuổi. Ra trường vào năm 23 tuổi, sau 5 năm các bạn làm việc tại nhiều công ty khác nhau, từ junior lên staff như thế nào thì các bạn sẽ hiểu được lộ trình, biết cách đối đãi với nhân viên. Khi ở trong môi trường của các công ty phát triển, mình cũng hiểu được tại sao công ty đó ở một level cao như vậy. Mình hiểu được cơ bản cách họ vận hành, mình có thêm mối quan hệ. Còn mới ra trường mà vì cái tôi và mở công ty liền, mình nghĩ khả năng thất bại sẽ rất cao. Vẫn có những người sở hữu phẩm chất vượt trội và thành công, nhưng phần trăm đó rất thấp.
ALP Mini-talk Mùa 3: The Un-Gap | Không khoảng cách là chuỗi Podcast thảo luận chuyên đề dành cho cộng đồng Kiến trúc - Thiết kế tại Việt Nam. Podcast được phát triển từ chuỗi hoạt động của chương trình Architecture Leader Perspective do LIXIL Việt Nam sáng lập và tổ chức từ năm 2016, nhằm kết nối, tạo động lực và truyền cảm hứng để kiến tạo một cộng đồng Kiến trúc - Thiết kế gắn kết, cùng phát triển.
Tin tức liên quan
ALP MINI-TALK #2: “ĐÁNH THỨC THẦN LINH TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI”
27/10/2021
2 năm trước
ALP MINI_TALK #4: RANH GIỚI VÀ KHOẢNG TRỐNG
25/11/2021
2 năm trước
ALP MINI_TALK #6: ‘NHƯ THỂ LÀ’ MỘT HIỆN HỮU CỦA SẮP ĐẶT TUYỆT ĐỐI
31/12/2021
2 năm trước
ALP MINI_TALK #7: KIẾN TRÚC THI CA
07/01/2022
2 năm trước
ALP MINI_TALK #8: LỚP VỎ VÀ KHOẢNG TRỐNG
20/01/2022
2 năm trước
ALP MINI_TALK #9: KIẾN TRÚC Ý NIỆM
12/03/2022
2 năm trước
ALP MINI_TALK #10: ĐỐI THOẠI VỚI TỰ NHIÊN
16/03/2022
2 năm trước
ALP MINI_TALK #11: Ý VÀ HÌNH TRONG KIẾN TRÚC
31/03/2022
2 năm trước
Tin tức mới
Ông Nguyễn Đỗ Dũng: “Trẻ hóa đô thị là tái sinh và mang lại sức trẻ giúp đô thị gánh vác áp lực trong quá trình phát triển”
17/11/2023
9 tháng trước
Những ý tưởng đầu tiên cho bài toán “Trẻ hóa đô thị”
17/11/2023
9 tháng trước
Ông Uchidate Katsuaki: Cần có những giải pháp chuyên môn toàn diện để giải quyết bài toán “Trẻ hóa đô thị”
09/11/2023
10 tháng trước
ALP 2023 - 2024: Hội thảo “Đổi mới đô thị - Những ý tưởng đầu tiên”
27/10/2023
10 tháng trước
LIXIL Việt Nam công bố Chương trình ALP 2023 - 2024: “Tương lai không gian sống Việt Nam” với chủ đề Trẻ hóa đô thị
10/10/2023
11 tháng trước
Nhìn lại hành trình đi tìm giải pháp cho không gian sống chất lượng của Architecture Leader Perspective (ALP) 2021 - 2022
03/10/2023
11 tháng trước
Kiến trúc Việt trước bối cảnh “Toàn cầu hoá - Bản địa hóa”
02/10/2023
11 tháng trước
Kiến trúc sư và những câu chuyện trái ngành
02/10/2023
11 tháng trước