[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #3] Nhận diện một số mã Gien Kiến trúc Việt Nam
Xin giới thiệu đến bạn đọc bài chia sẻ của KTS Vũ Hiệp trong khuôn khổ chương trình ALP Mini-talks #3 - hoạt động mở rộng của Architecture Leader Perspective (ALP) được khởi xướng bởi LIXIL Việt Nam và thực hiện bởi Xhubvietnam.com, AGOhub và KIENVIET MEDIA. ALP Mini-talks mang đến chuỗi thảo luận chuyên sâu về Kiến trúc - Thiết kế, với sự góp mặt của nhiều diễn giả có tiếng trong và ngoài nước.
NHẬN DIỆN MỘT SỐ MÃ GIEN KIẾN TRÚC VIỆT NAM
Với mục đích tìm kiếm những cách kiến giải mới về tính dân tộc trong kiến trúc cũng như mong muốn làm rõ hơn nội hàm bản sắc kiến trúc Việt Nam, KTS Vũ Hiệp đã đề xuất khái niệm “Mã gien kiến trúc”. Khái niệm này là kết quả từ cách tiếp cận nhân học, với các phân nhánh: nhân học cấu trúc, nhân học văn hóa, nhân học sinh thái, nhân học di truyền.
Quá trình di cư và định cư, sự thích ứng với thổ nhưỡng và môi trường sinh thái, những biến cố và lựa chọn lịch sử, di truyền sinh học và văn hóa... đã tạo nên những đặc tính kiến trúc khác nhau được lưu truyền ở các dân tộc. Hiện tượng đó có thể gọi là Mã gien kiến trúc. Đành rằng kiến trúc phụ thuộc nhiều vào thời đại mà nó thuộc về, nhưng thực tế đã chứng minh vẫn có những tính chất cốt lõi xuyên qua các thời kỳ lịch sử khác nhau để nhận diện một nền kiến trúc có chiều sâu văn hóa không đứt đoạn. Một cơ chế (nguyên lý, cấu hình) sáng tạo kiến trúc nào đó được duy trì qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau bởi nhiều thế hệ của một dân tộc thì cơ chế đó được coi là có tính di truyền, biểu thị một mã gien kiến trúc. Trên cơ sở phân tích lịch sử, di truyền sinh học tộc người, địa lý, văn hóa dân gian, các di sản kiến trúc, KTS Vũ Hiệp đã giới thiệu một số mã gien kiến trúc Việt Nam: Chiết trung, Tối đa, Chen lấn, Đa lớp, Ẩn dật, Linh điểm, Tùy biến.
Chiết trung là sự lai ghép các thành phần kiến trúc khác nhau, Tối đa là cách tạo hình đầy chật hết mức. Chúng đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử kiến trúc Việt Nam, ở các vùng miền khác nhau. Các mã gien này liên hệ với cơ sở nhân học là nguồn gien tổng hợp và sự giao lưu văn hóa đa dạng ở nước ta. Ngày nay, Chiết trung và Tối đa vẫn tiếp tục được người dân yêu thích bằng sự pha trộn các phong cách lịch sử khác nhau, sử dụng hoa văn ngộn ngợp. Mặc dù khẳng định rằng những công trình kiến trúc Chiết trung và Tối đa ngày nay có chất lượng thẩm mỹ thấp, nhưng nếu nhìn sâu vào nội hàm nhân học thì hình thức đó có sự tương thích nhất định với nội dung bên trong. Vấn đề đặt ra là phải đổi mới, sáng tạo đặc tính Chiết trung và Tối đa một cách phù hợp với thời đại mới.
Chen lấn thể hiện ở sự “xô bồ” ở các dãy nhà phố liền kề, đặc biệt là khu phố cổ Hà Nội. Nó cũng nhận ra ở các khu nhà tập thể cũ. Mặc dù có hình thức luộm thuộm, nhưng sự chen lấn lại tạo ra những khu vực đô thị có bản sắc. Điều đó cần đặt vấn đề quản lý đô thị theo cơ sở nhân học, chấp nhận sự chen lấn nhưng không để tạo ra những khu phố ổ chuột.
Đa lớp và Ẩn dật chủ yếu thể hiện trong cách công trình kiến trúc được thiết kế theo chiều sâu nhiều lớp không gian, hài hòa với thiên nhiên, khối tích vừa phải. Cơ sở nhân học của chúng là tính cách trọng tập thể, không quá nhấn mạnh cái tôi cá nhân, cũng như cách giao tiếp vòng vo, khoan hòa của người Việt Nam.
Linh điểm liên quan đến sự “mê tín” của người Việt Nam. Các nghệ nhân dân gian phải qua các mức độ: hành- mỹ- kỹ- linh. Công trình kiến trúc phải có những điểm “linh”, góp phần tạo nên tinh thần nơi chốn cho công trình.
Cuối cùng là Tùy biến, một mã gien rất mạnh của người Việt Nam, thể hiện tính linh hoạt. Nó được truyền tải trong kiến trúc đương đại bằng việc tái sử dụng vật liệu, chuyển đổi không gian, công năng linh hoạt, thích ứng bối cảnh và nội thất thông minh, đa dụng.
Với tiếp cận nhân học nói chung, mã gien kiến trúc nói riêng, KTS Vũ Hiệp muốn gửi gắm rằng tính dân tộc trong hiện đại cần được tìm ở chính con người. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, việc giao lưu học hỏi các nước khác là cần thiết và không thể tránh khỏi, nhưng vẫn cần tâm niệm rằng “người Việt Nam thế nào thì tạo ra kiến trúc thế ấy”.