[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #7] Kiến trúc thi ca I poetry architecture
Xin giới thiệu đến bạn đọc bài chia sẻ của Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh trong khuôn khổ chương trình ALP Mini-talks - hoạt động mở rộng của Architecture Leader Perspective (ALP) được khởi xướng bởi LIXIL Việt Nam và thực hiện bởi Xhubvietnam.com, AGOhub và KIENVIET MEDIA. ALP Mini-talks mang đến chuỗi thảo luận chuyên sâu về Kiến trúc - Thiết kế, với sự góp mặt của nhiều diễn giả có tiếng trong và ngoài nước.
Kiến trúc thi ca I poetry architecture
Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh
Nhà văn-Triết gia-Phê bình nghệ thuật-Học giả người Anh thời Victoria, John Ruskin (1819-1900), trong tác phẩm Poetry of Architecture (1837) đã nhìn nhận: Kiến trúc thi ca mang đặc trưng nghệ thuật góp phần hình thành nên bản sắc. Nó được đặt ngang hàng với tính thích dụng và là cái để phân biệt đặc trưng kiến trúc của từng khu vực. Không chỉ chú ý đến sự thích ứng với vị trí, khí hậu tại địa điểm xây dựng, mà còn là sự tương đồng một cách mạnh mẽ, kết nối dòng tâm thức khác biệt theo từng lãnh địa.
Bản thể của kiến trúc thi ca là sự giao thoa giữa 2 khái niệm: thi ca thoát thai trong sự cao siêu và huyền bí, làm thời gian cất tiếng và cảm nhận được diễn bày; kiến trúc chạm đến cuộc sống trong và quanh nó, tạo ra chiều sâu nơi mà không gian và thời gian không còn tách biệt. Do vậy kiến trúc thi ca mang hơi thở cuộc sống nhưng vẫn đậm chất thơ.
Hiện tượng của kiến trúc thi ca là một sự kết giao giữa nghệ thuật phong cảnh và nghệ thuật thi phú. Sự đa dạng của cái hữu hình hoà quyện trong sự tĩnh tại của cái vô hình tạo nên cái hồn nơi chốn. Nghệ thuật tạo hình kiến trúc phải lấy ngôn ngữ không gian hợp nhất cùng với cái hình thể biểu hiện để đúc nên một khung cảnh đậm chất thi ca.”
Biểu hiện được khái lược lần lượt trong 3 công trình tiêu biểu của tác giả: Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng-Huế (Lebadang Memory Space); Nhà san hô-Hồ Tràm (Maison de Corail); Vườn Thiên niên kỷ Dã Viên-Huế (Millenium Park).
- Không gian nghệ thuật Lê Bá Đảng-Huế (Lebadang Memory Space):
- Kiến trúc cảnh quan của Không gian kí ức Lebadang toạ lạc tại thôn Kim Sơn, xã Thuỷ Bằng, Huyện Hương Thuỷ, Thành phố Huế được thiết kế trên khu đất gò đồi với diện tích 16.000 mét vuông thực sự là một tác phẩm nghệ thuật. Bố trí không gian tổng thể gồm 2 khối công trình: Toà nhà trưng bày trên mặt đất và Toà nhà trưng bày dưới lòng đất. Nằm trong cảnh quan khu vườn tầng bậc với lối tiếp cận quanh co theo bình đồ đường trôn ốc với hồ, suối, cầu và đường dạo ẩn mình dưới tán cây cổ thụ và ướp ngập sắc hương của mọi ngóc ngách trong khu vườn. Cấu trúc toà nhà trưng bày trên mặt đất với diện tích khoảng chừng 1000 m2 được chia thành 3 tầng không gian: không gian dưới thấp làm nơi bố trí quầy bán hàng lưu niệm; không gian giữa làm nơi trưng bày tác phẩm hội họa, điêu khắc của Hoạ sư Lê Bá Đảng; không gian trên mái với mái kính phản chiếu lớn hình quả trứng (oval) và các bậc ngồi theo kiểu khán đài ngoài trời để ngắm cảnh và thưởng thức sự bình yên của đất trời. Cấu trúc toà nhà trưng bày dưới lòng đất có chiều dài khoảng 50m, diện tích khoảng 250m2 nằm sâu trong lòng đất. Đây là không gian trưng bày kỉ vật, chiếu phim và mô tả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Hoạ sư Lê Bá Đảng. Cuối con đường hầm là một không gian mở ra kéo dài đến vô tận kết nối một vòng sinh tử: nơi sự sống và cái chết đối thoại trong sự im lặng của thời gian. Nhìn từ trên cao Không gian lưu niệm trông như một tác phẩm nghệ thuật kích cỡ lớn nơi thiên nhiên, con người và nghệ thuật được kết thành một mối.
- Nhà san hô-Hồ Tràm (Maison de Corail):
- Kiến trúc cảnh quan của Nhà San hô toạ lạc tại ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, Huyện Xuyên Mộc, Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu được thiết kế trên khu đất ngập nước hồ tràm với diện tích 2800 mét vuông thực sự là một tác phẩm nghệ thuật. Bố trí không gian tổng thể là một toà nhà hình dáng san hô trắng với 8 cánh xoay quanh một khoảng trống thông trời bên dưới là một hồ cảnh quan với trang trí tượng Phật, đá tảng và các loài dương xỉ. Cấu trúc toà nhà với diện tích khoảng chừng 600 m2 được chia thành 3 tầng không gian: không gian dưới thấp làm nơi trưng bày, không gian giao lưu nghệ thuật và các không gian sống trãi nghiệm; không gian giữa làm xưởng vẽ, phòng trà đạo, phòng tạo hình và các không gian sống trãi nghiệm của Kiến trúc sư Hồ Viết Vinh; không gian trên mái với khoảng trống thông thiên rộng và lối hành thiền và bao lơn ngắm cảnh và thưởng thức cảnh quan khu vườn tràm bao quanh ngôi nhà từ trên cao. Khu vườn bao quanh ngôi nhà xây dựng theo ý niệm về một con đường giải thoát với 8 vòng cung biểu tượng cho 8 con đường diệt khổ (bát chánh đạo) của Đức Bụt Thích ca Mâu Ni. Loài cây chủ đạo trong ngôi vườn này chính là cây tràm từ các vùng đất của hệ sinh thái ngập phèn Nam bộ như: rừng Quốc gia U Minh thượng-Kiên Giang, rừng Tràm Trà Sư-Đồng Tháp và rừng Phước Bửu-Xuyên Mộc-Bà Rịa Vũng Tàu. Ngoài ra còn có sắc hương của các vùng trồng hoa nổi tiếng Viện Nam như: Cái Mơn-Bến Tre, Sa Đéc-Đồng Tháp, Đà Lạt-Lâm Đồng. Nhìn từ trên cao Nhà San hô trông như một nơi trú ẩn trong rừng sâu nơi: cảnh quan, nghệ thuật và thiền định được hoà quyện trong chiều sâu vô tận của không gian và thời gian.
- Vườn Thiên niên kỷ Dã Viên-Huế (Millenium Park).
Bản giao hưởng của cội nguồn sự sống là nơi con người được tiếp xúc trực tiếp với những giá trị nơi chốn, thời gian, không gian, âm thanh, tiếng động và ngay cả cảm nhận trực tiếp sự di chuyển của mình trong không-thời gian. Hành trình quay về thiên nhiên bằng chính tình yêu thương sẽ cho phép chúng ta mở lòng bao dung, chấp nhận sự khác biệt để bảo vệ môi sinh và thay đổi thói quen hướng đến bảo vệ môi trường sống của xứ sở được mệnh danh là Kiệt tác của bài thơ đô thị trên dòng sông Hương huyền thoại. Công viên có diện tích khoảng 10,6ha, bao quanh là dòng sông Hương với chu vi lên đến 2.5km được chia thành 3 miền không gian kết nối: miền thi ca, miền kí ức và miền thôn dã. Miền hoang dã nắm phía tây Cồn Dã Viên, là khơi nguồn trí tuệ qua sự xúc chạm thiên nhiên nguyên bản & hoang sơ. TRÍ TUỆ XÚC CẢM được tạo thành bởi 6 giác quan con người bao gồm: thị giác, khứu giác, xúc giác, thính giác, vị giác và sự nhận cảm. Các cung bậc cảm xúc sẽ được tạo ra nhằm khơi dậy hạt giống ngủ quên trong tâm hồn con người. Một hành trình trải nghiệm đi qua các giới hạn của sự hiểu biết sẽ tạo điều kiện cho con người tiếp xúc trực tiếp vào thiên nhiên. Miền kí ức được cấu trúc dựa trên việc chuyển đổi Nhà máy nước Dã Viên xưa trở thành Bảo tàng ánh sáng: nơi kể câu chuyện huyền thoại nước & di sản lịch sử Kinh thành Huế. Tại nơi đây du khách có thể tương tác với hoài niệm quá khứ và tưởng tượng những câu chuyện lịch sử thú vị mang dấu ấn huyền thoại dòng sông. Miền thi ca nằm phía đông dối diện Kinh thành: là nơi tiếp biến các giá trị dân tộc Việt, nơi gặp gỡ giao lưu của các nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Cộng đồng nhân văn hình thành dựa trên những giá trị cốt lõi của Cố đô lịch sử hơn 700 năm vùng Thuận Hoá-Phú Xuân. Nơi mà con người muốn thể hiện mình một cách tự tin đầy hứng khởi, không còn những giới hạn về giới, địa vị, xuất thân và thành đạt.