X-Hub HN 038.365.1994
X-Hub HCM 0911.345.665

[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #12] Suy ngẫm về văn hoá kiến trúc Việt

[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #12] Suy ngẫm về văn hoá kiến trúc Việt

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sử

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sử

Nhà nghiên cứu

Xin giới thiệu đến bạn đọc bài chia sẻ của Nhà nghiên cứu Nguyễn Sử trong khuôn khổ chương trình ALP Mini-talks - hoạt động mở rộng của Architecture Leader Perspective (ALP) được khởi xướng bởi LIXIL Việt Nam và thực hiện bởi Xhubvietnam.com, AGOhub và KIENVIET MEDIA. ALP Mini-talks mang đến chuỗi thảo luận chuyên sâu về Kiến trúc - Thiết kế, với sự góp mặt của nhiều diễn giả có tiếng trong và ngoài nước.

Suy ngẫm về văn hoá kiến trúc Việt 

Đi đâu và Về đâu ?

Trong suốt cả chuỗi hoạt động, khi câu hỏi thường xuyên được đặt ra là “thế nào là Văn hoá kiến trúc Việt”. Tôi luôn nói, tôi không có câu trả lời cho điều đó, tôi cũng không biết nó hình dáng như thế nào. Và khi có thêm một câu hỏi nữa “lại nhìn về mình à? … nhìn hoài làm sao mở thêm ra được, thế giới còn rộng mà…” tôi cũng không biết phải nói gì!

Nhưng, chúng ta đã thực sự nhìn chưa? Và đã bao giờ thực sự Về được chưa, tôi nghĩ đó là vấn đề. Vâng, tôi không thể trả lời được bởi văn hoá là một sản vật sáng tạo mang tính tập thể của một dân tộc khi ở một môi trường tự nhiên, hoàn cảnh địa lý và khí hậu, dưới ảnh hưởng đó rồi lâu dần hình thành một tâm lý văn hoá. Định thức văn hoá chúng ta tạo ra, lại quay trở lại chi phối chúng ta. Nhìn sang bên cạnh, người Nhật Bản dùng gần một trăm năm để đi ra được con đường của riêng mình và sản sinh ra một ảnh hưởng ngược lại đối với phương Tây. Người Trung Quốc cũng đã đi con đường của mình được vài chục năm, còn chúng ta đang ở đâu ?… Có lẽ là câu trả lời mà cần vài thế hệ nữa cùng nhau nỗ lực. Tôi nghĩ nó nên là một câu hỏi mở, một vấn đề nên bỏ ngỏ, để chúng ta còn cùng nhau kiến tạo. Cả chuỗi talk không phải là một cuộc kiểm thảo về nền kiến trúc nước nhà nhưng cũng vẽ nên một bức tranh tương đối đa dạng về các thử nghiệm của các hướng tiếp cận khác nhau.

Hiện trạng của kiến trúc 

Thành tích thì không cần phải bàn… hơn 30 năm trở lại đây, đâu đâu cũng thấy nhà mới, khu vực mới, thành thị mới, đấy thực sự là một cuộc cách mạng. Điều kiện sinh hoạt của chúng ta nâng lên rất nhiều. Nhưng chúng ta xây dựng nhiều như thế, nhưng chúng ta chưa hình thành được một hình thái kiến trúc chủ lưu của chúng ta, đấy cũng là một điều đáng tiếc. Đấy cũng là điều mà chúng ta cần suy nghĩ. Và tôi nghĩ chắc nhiều người cũng đã, đang suy nghĩ và đang hành động rồi.

Tuy nhiên, chúng ta gần quá mà chúng ta xa quá 

Chúng ta gần với nhiều điều mà xa với nhiều điều. Trước hết , tôi xin chia sẻ một vài điều về việc gần

Chúng ta quá gần

Chúng ta quá gần quan trường, gần với hội hè đình đám: Đương nhiên gần quan trường không phải là việc xấu, đó là việc nhiều khi rất tốt, bởi vì chính phủ quan tâm, lãnh đạo quan tâm cũng là điều rất đáng mừng. Trong thực tiễn kiến trúc, bất kể là nhà ở, kiến trúc công cộng hay các phương án kiến trúc lớn nhỏ đều có sự tham gia trong quyết sách của chính phủ. Cho nên bất kể quy mô hay hình thức mầu sắc thế nào đều có sự tham dự của nhân tố nhà nước. Chỉ sợ họ không sử dụng ý kiến của chuyên gia, dẫn tới kiến trúc không thể độc lập sáng tác, cho nên hình thức kiến trúc ở một phương diện nào đó là một phần sở thích của các bộ ngành liên quan.

Quyết sách của nhà nước là một yếu tố quan trọng

Nhà nước có thúc đẩy việc tự giác văn hoá, tự tin văn hoá rồi mới có thể trở thành “cường quốc văn hoá” được. Kinh tế tăng trưởng, xã hội phát triển, nhưng thực tế chúng ta mới chỉ tăng dần về kinh tế - một quốc gia lớn mạnh, kinh tế mạnh, quân sự mạnh, quan trọng hơn là văn hoá phải mạnh. Phải có tư tưởng, tinh thần và văn hoá của mình. 

Trong suốt thời gian đó thì ta thấy chúng ta cũng có rất nhiều các công ty thiết kế danh tiếng của nước ngoài “ghé qua” Việt nam để thực hiện các dự án lớn. Những các công ty kiến trúc lớn như UN studio, OMA, 10 design, Foster + Partners, Renzo Piano Building Workshop, Zaha Hadid Architects đã có mặt ở Việt Nam. Người lạc quan thì coi là sự hội nhập quốc tế của kiến trúc, người bi quan thì coi đó là một sự thiệt thòi lớn đối với các cơ hội cho các kiến trúc sư tài năng trong nước. Các kiến trúc lớn của chúng ta - kiến trúc công cộng tuyệt đại đa số được xây dựng bằng các công ty nước ngoài, hoặc lấy các công ty nước ngoài làm chủ đạo, các công ty trong nước trở thành thầu phụ. Hoặc gắn mác nước ngoài để dễ làm việc hơn.

Bởi ta thì tin Tây hơn tin Ta. 

Đáng mừng đấy mà cũng đáng lo đấy. Bởi các công ty đó đến Việt Nam đâu phải để mang thành tựu gì cho nước ta đâu, mà đơn giản các công trình cũng chỉ là một sản phẩm thử nghiệm của họ mà thôi.

Chúng ta quá gần Phương Tây (nếu không muốn nói chúng ta chính là phương tây nối dài)

Nhưng chúng ta gần bao nhiêu thì xa bấy nhiêu. Tư tưởng thế nào, xã hội thế nào thì thực tiễn kiến trúc như thế. Trong một thời gian dài kiến trúc của phương Tây có mấy đặc điểm là sáng tác kiến trúc theo đuổi phức tạp, không trật tự, nghệ thuật khái niệm, nghệ thuật ngẫu nhiên, nghệ thuật với hạn mức thấp nhất, biểu hiện chủ nghĩa, giải cấu chủ nghĩa, lập thể chủ nghĩa, siêu hiện thực chủ nghĩa chiếm vị trí chủ đạo.

Kiến trúc càng trở nên độc lập không còn là một tượng trưng tinh thần của những gì nằm ngoài kiến trúc, lúc này kiến trúc chỉ biểu đạt tự thân mình và ý nghĩa lý tính của chính nó, kiến trúc chỉ là ý thức tự thân của mình, theo đuổi và ngôn ngữ riêng của mình. Các trào lưu của phương tây sinh ra để phủ định truyền thống của mình, nhưng nó vẫn là sản phẩm trực tiếp của truyền thống đó, chí ít họ biết là họ đang phủ định điều gì. Còn chúng ta, nghe chừng là đã bị đứt hẳn, rất khó để kết nối lại, mà chỉ có thể kiến tạo.

Tư tưởng và thực tiễn xã hội của phương Tây có một số đặc điểm sau:

 Thứ nhất: Phản lý tính, phản văn hoá, được sinh trưởng trong một không gian, một bối cảnh tương đối đặc thù của xã hội đó, khác hoàn toàn với điều kiện trong nước. Nên không thể tuỳ tiện để mô phỏng theo.

 Thứ hai: Kiến trúc phương Tây tuy thích ứng với công nghiệp hoá, lựa chọn kỹ thuật và vật liệu nhưng cũng vẫn phải có một thái độ phân tích và phê phán, bởi rốt cuộc kỹ thuật và vật liệu nó phải phù hợp với điều kiện bản địa - Cái này tôi nghĩ chúng ta đã làm được, và đang làm được rất tốt.

 Thứ ba: Học tập và mượn tư tưởng kiến trúc phương Tây. Đây là một cơ hội lớn đối với kiến trúc của chúng ta:

Một là, sự ảnh hưởng mang tính chất tuyệt đối từ hình thức và các kỹ thuật công trình của phương Tây, ảnh hưởng này không phải không có trong quá khứ, nhưng có thể nói là thời điểm này là thời điểm lớn nhất, mạnh mẽ nhất mà trong quá khứ chưa từng xuất hiện.

Hai là, kiến trúc truyền thống có một phần tiếp tục và có một sự chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, đó là Việt và Tây cùng giao hoà với nhau, mới cũ cùng tồn tại, để trở thành mục tiêu. Học tập là đương nhiên, phân tích, học tập, không chỉ thuần tuý là mô phỏng. Nhưng học rồi để làm gì - để trở thành phương tây? Chúng ta có học muôn đời cũng không thành họ được, kể cả thành Trung hay Nhật chúng ta cũng không thành được.

Tôi thi thoảng có tổ chức vài lớp về Mỹ học. Nhưng càng đọc thì càng thấy là nhiều khi Mỹ học không còn chỉ đạo thực tiễn lý luận nghệ thuật, mỹ học còn trở thành một công cụ biến những điều không phải nghệ thuật trở thành nghệ thuật - đó là một hệ thống lý luận. Thế giới là rộng lớn đấy, phương Tây là hay đấy, nhưng chúng ta không hạn chế mình học gì nhưng cũng không nên tự đẩy mình vào thế trở thành một “footnotes” nối dài của lịch sử kiến trúc phương Tây.

Gần với sự tư lợi nhiều hơn.

Ai cũng cần sinh tồn, giữa sáng tác và lợi ích, kế thừa và lợi ích, nghề nghiệp và lợi ích, có thể lợi ích vẫn đứng ở đầu tiên. Hoặc thuận theo chủ đầu tư hoặc thuận theo nhà cung cấp, ép giá, để đạt được cơ hội. Thị trường kinh tế. Vì lợi nhuận được đặt lên trên hết. Đây không phải chỉ là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản mà cả ở trong xã hội ta.

Tôi không nhớ rõ là ai đã từng nói rằng chúng ta có một chủ nghĩa mang tên Tính cơ hội tuỳ thời. 

Chúng ta lựa chọn cùng nhau đi đường bộ giữa nhân dân và nhà nước để lan tỏa chứ không lan tỏa bằng những ngọn núi có khoảng cách nhất định với nhau. Đây là lý thuyết Phân ly (Discrete) của KTS Hiroshi Hara. Nhưng ông có lấy hình ảnh đi đường bộ để lan tỏa báo tin cướp biển hoặc cháy không nhanh bằng những trạm canh trên núi cao, những ngọn núi mà có khoảng cách nhất định với nhau. Khi lan tỏa bằng cách đốt lửa trên những ngọn núi ấy thì tin đi nhanh hơn là đoàn kết ôm nhau đi đường bộ.

Tương lai trông như thế nào? 

Tôi nghĩ tương lai cũng chính là quá khứ. Không phải có nghệ thuật mới thì nghệ thuật cũ là lạc hậu, không phải vì có chúng ta mà nói cha mẹ ta là lạc hậu. Chúng ta không nên dùng tư duy như vậy để nhìn nhận. Chúng ta gần phương Tây bao nhiêu, thực tế là chúng ta xa phương Tây bấy nhiêu.

Nhưng chúng ta cũng xa quá

Xa tự nhiên.

Quy mô của đô thị, quy mô của không gian sống làm chúng ta xa rời quá nhiều đến không gian của tự nhiên. Chỗ nào có thể cắt đất phân lô chúng ta đều mang ra bán. Đô thị càng phát triển, càng nhiều thì đằng sau đó là một số lượng lớn những tài nguyên và năng lượng được thay thế. - trên thực tế chúng ta không thể rời khỏi tự nhiên.

Chúng ta bỏ rơi nông thôn, biến nơi đây thành một chiến trường của những thứ hổ lốn, và chẳng mấy chốc toàn bộ nông thôn sẽ biến thành thành thị như vậy. Đây cũng là điều mà nhiều người vẫn đang cố gắng vận động hàng ngày về việc thúc đẩy văn hoá đọc, thúc đẩy vấn đề về tri thức cộng đồng, vào việc tri nhận những biến đổi của nó…

Xa rời hình thức của dân tộc.

Sự giải thể cấu trúc xã hội - thay đổi chính trị, kinh tế lên xuống và quan niệm của chúng ta đã chuyển biến hàng trăm năm nay. Nghiên cứu kiến trúc truyền thống - mong mỏi phát hiện những phương pháp xây dựng cố hữu bản địa. Tuy nhiên, những nghiên cứu dạng này vẫn còn quá ít ỏi,

Kinh tế thì toàn cầu hoá, văn hoá thì đồng bộ lẫn nhau vô cùng chóng vánh, chúng ta làm thế nào để có thể sử dụng hay kế thừa truyền thống của chính mình?

Tôi không đứng ở góc độ trường phái dân tộc chủ nghĩa của quốc gia. Tôi nghĩ một quốc gia, một dân tộc, nếu như không có văn hoá, tư tưởng, tinh thần thì mãi mãi không bao giờ có thể lớn mạnh được. Cho nên thế giới càng gần hơn, văn hoá càng giống nhau hơn, làm cách nào để chúng ta có thể kiến tạo nên một thứ tinh thần văn hoá của chính mình, tìm những lý luận kiến trúc của mình, trên con đường thực tiễn kiến trúc… đó chắc chắn là một phần không thể chối bỏ của các kiến trúc sư.

Đương nhiên, ai cũng biết làm một căn nhà có khi chỉ mất vài tháng, nhưng có văn hoá thì không phải là câu chuyện vài năm mà phải là câu chuyện vài thế hệ. Nên tôi nghĩ nếu chỉ đơn giản là biến thành một cường quốc văn hoá nhiều khi là một giấc mơ hoang đường, cứ ai làm việc mình tốt nhất là quan trọng nhất.

Văn hoá, dân tộc là một khái niệm mang tính chính trị sau thế kỷ 19 mới được sinh ra. Trên thực tế văn hoá vượt ngoài dân tộc, văn hoá và dân tộc chưa chắc đã là một thể thống nhất. Giống như chúng ta nói văn hoá Nho giáo, văn hoá Phật giáo thì nó ảnh hưởng không chỉ mình khu vực Đông Á mà còn rộng hơn, thậm chí đến bây giờ là toàn cầu.

Ở thế giới Đông Á, cả ngàn năm trở lại đây, nghệ thuật và kiến trúc luôn được coi là một phương tiện đề bồi dưỡng giáo dục, tu dưỡng nhân tính. Thiên nhân hợp nhất, tức con người và tự nhiên thống nhất với nhau, đó là một triết học. Nó giải thích nhân loại là một sản vật của địa cầu, bám sâu vào địa cầu mà sinh sống.


Chủ nghĩa bảo vệ môi trường, đề cao thế giới vật chất và con người, nhưng với tôi, quan trọng hơn cả là đi tìm tòi mối quan hệ cộng tính giữa con người và tự nhiên. Mối quan hệ đó kiến tạo và ảnh hưởng quan niệm tình cảm của chúng ta, chúng ta nên dựa vào nó để xây dựng. Đối với tôi mà nói, đó là một suy tư.

Thiết kế làm thế nào để con người có thể có nhiều phương thức để thể nghiệm không gian. Mơ hồ giữa không gian bên trong và bên ngoài, có thể thay đổi con người cảm tri đối với thế giới hiện thực, thậm chí có thể cho chúng ta xa rời hiện thực.

Ở phương diện kiến trúc, rất ít nhìn thấy mối liên hệ với quá khứ. Đương nhiên xã hội tiến bộ, kỹ thuật tiến bộ, kết cấu mới, vật liệu mới, thực tiễn đương nhiên phải thích ứng với những sự biến đổi đó. Nhưng trong quá trình ấy, làm sao có thể ý thức được để mở ra con đường thực tiễn kiến trúc, chứ không phải chỉ thuần tuý là sử dụng lý luận của phương tây, hình thức kiến trúc của phương Tây.

Nguyên nhân sâu xa đó là chúng ta xa rời văn hoá của mình. Trong quá khứ hay truyền thống chúng ta đều có những điều lý thú, nhưng chúng ta chưa thực sự khai thác vào truyền thống đó.

Đa phần chúng ta dễ rơi vào theo đuổi thuần nắm bắt hình thức.

Có hai vấn đề mà rất nhiều diễn giả trong chuỗi sự kiện đã từng đề cập đến đó là Bản chất của kiến trúc đấy là phục vụ Con người, và một điều thứ hai trừu tượng hơn đó là tính hư vô của không gian.

Trở về bản chất của kiến trúc: Phục vụ con người. 

Sáng tạo - không thể phục cổ, không thể quay về quá khứ, xã hội luôn tiến bộ. Sáng tạo chính là phải đối diện với lịch sử, đối diện với truyền thống với thái độ tôn trọng.

Tính hư vô của không gian: quan trọng hơn tính bền vững, tính kiên cố. Bởi không gian thực tế không phải nằm ở chu vi của nó, cũng không ở mặt đất, mái nhà hay vách tường mà nằm ở trong sự trống rỗng. Nhưng dẫu là ở bất cứ không gian nào thì kiến trúc hay không gian cũng không thể tồn tại một cách độc lập. Quan niệm về sự trống rỗng này ảnh hưởng rất lớn đến cách tri nhận không gian. Không gian không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là một sự cảm tri của ngũ quan Lão Tử - Lấy chỗ cao bù chỗ thấp - điều chỉnh thiên nhiên có sự sống - không phá thế mà dựa vào thế. Đấy là một dạng thức của không gian Hướng tới sự vô hình - không theo hình học - quan sát theo cảm xúc. Tính không cao ngạo trước thiên nhiên. Một kiến trúc tượng trưng, trong đó không có bất cứ đồ gì, hoặc nói một cách đích xác, không có bất cứ đồ vật gì mang tính tượng trưng. Các tư tưởng luôn luôn hỗ trợ, bổ xung lẫn nhau -  nhấn mạnh trở về tự nhiên, nhấn mạnh hài hoà tự nhiên.

Hiện trạng và xu thế

Học giả sử học thông thường đứng dưới góc độ kiến trúc học - bên ngoài, khảo sát nghiên cứu kiến trúc và không gian thành thị, chú trọng kiến trúc và hoàn cảnh xã hội.

Người ở trong kiến trúc thì đứng dưới góc độ nội bộ của ngành của mình, chú ý tới tri thức kiến tạo và sự sản sinh kinh nghiệm, truyền bá và chuyển dịch tư tưởng kiến trúc.

Ta là ai, ta có gì, ta đã, đang làm gì - nếu không nhìn được mình thì sao nhìn được rộng lớn hơn. Có người lựa chọn nhìn ra bên ngoài, có người lựa chọn nhìn vào bên trong, đều là lựa chọn riêng của mỗi người.  Mỗi người lựa chọn một phương thức của mình để chơi, để vui, hoặc lớn lao hơn, thay đổi những con người xung quanh mình.

Quan sát vấn đề càng nhiều thì cơ hội càng lớn. Đi đến cùng cực con đường của mình chọn. Nghiên cứu, tìm tòi là một quá trình hoàn toàn độc lập, nhiều khi không liên hệ gì tới hiện thực. Bởi hiện thực thì chóng vánh và nó phát triển không cần bất cứ một lý do nào cả, kể cả khi tìm ra lý do cho điều đó thì nó cũng đã chuyển dịch sang một chiều kích khác. Ở góc độ không gian - giữa Đông và Tây tồn tại một quá trình hiện đại hoá bản địa lẫn nhau nhưng lại dưới ngữ cảnh phương Tây, hoặc có hay chăng một hiện đại khác - ngoài phương Tây đó…

Thực ra nếu đi sâu vào truyền thống chúng ta sẽ lại rơi vào bẫy “truyền thống” là truyền thống nào, truyền thống cộng sản, truyền thống Nguyễn, Lê, Trần, Lý hay xa hơn nữa là Đông Sơn? Các truyền thống đó hay là truyền thống của một số phù hiệu biểu tượng mang tính chất tượng trưng.

Muốn khôi phục truyền thống, thực tế là một việc rất rất khó! Đấy là một câu chuyện tưởng tượng.

Hoàn toàn học tập phương Tây, không tốt. Phục cổ cũng không phải ý hay, tạp giao với nhau cũng chưa hẳn đã là một ý hay.

Về giới Kiến trúc sư Việt Nam

Tôi nghĩ khen cũng được, chê cũng được, nhưng ít nhất sự khen chê đó đến từ tôi với tình cảm chân thành nhất, tôi hy vọng chúng ta cùng chia sẻ cho nhau để thấy được nhiều hơn, làm được tốt hơn! Tôi không phải là người có dũng khí hoặc là có khả năng nói hết những điều mà tôi muốn nói, nhưng tôi chắc chắn sẽ không nói một câu nào mà tôi không muốn nói.

Trong suốt năm qua, tôi thực sự được học và được trải nghiệm rất nhiều điều. Tôi thực sự tin là kiến trúc sư quả thực là nghề vất vả. Tôi thấy một nửa thời gian của họ phải đối diện với chủ đầu tư, còn phần còn lại thì đối diện với truyền thông, đại chúng, và trong đó cả giới chuyên môn, giới chuyên môn này vừa ở trong nước lẫn ở nước ngoài, đôi lúc phải quan tâm xem là người ta bình luận thế nào.

Thực sự cũng không dễ dàng. Trong cả một đống việc như thế, đôi khi việc nhớ rằng mình là ai là thứ dễ bị quên nhất. Trạng thái lý tưởng nhất của một nghệ sỹ là đối diện với nghệ thuật, đối diện với nội tâm của chính mình. Cái này kiến trúc sư thực sự là khó có thể chạm tới được, mà bài toán của họ là sự cân bằng. Mọi người đều không muốn “bị” rơi vào những tranh luận, muốn làm một người tốt, ngại biểu đạt các vấn đề của mình. Tôi nghĩ ngay chính bản thân tôi cũng nghĩ tới việc là “bệnh tật từ miệng đi vào mà hoạ hoạn từ miệng đi ra”, cũng đáng ngại chứ. Truyền thông là con dao hai lưỡi.

ALP mini talk – và đôi điều suy nghĩ 

Với vai trò là người tham gia vào cố vấn cho chương trình, tôi không dám chắc mình đã tận hết trách nhiệm của mình hay chưa. Trước hết là cám ơn các diễn giả đã tham gia vào chương trình. Các kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu là những người chọn chúng tôi - ALP mini talk chứ không phải chỉ thuần tuý là “người được chọn”

(ghi chép ….)

[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #1] Kiến trúc thánh đương đại Việt Nam - Những trường hợp tốt hiếm hoi

Kiến trúc thánh đương đại Việt Nam - Những trường hợp tốt hiếm hoi

KTS Vũ Hương (vn-a)

[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #2] Đánh thức thần linh - Kiến trúc Phật giáo đương đại nhìn từ Việt Nam

Kiến trúc không phải là vấn đề cô lập, mà nó song hành với Chính sách tôn giáo, tập tục dân gian, giáo nghĩa của Phật giáo.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sử

[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #1] Không gian thiêng - Một số trần thuật

Chúng tôi muốn xem xét không gian thiêng xuất phát từ kinh nghiệm mặc khải của thiên chúa giáo

KTS Nguyễn Anh Cường (Nhabe Scholae)