X-Hub HN 038.365.1994
X-Hub HCM 0911.345.665

[ALP Mini-talks #1] Không gian thiêng - Một số trần thuật

[ALP Mini-talks #1] Không gian thiêng - Một số trần thuật

[ALP Mini-talks #1] Không gian thiêng - Một số trần thuật

Không gian thiêng - Một số trần thuật

Xin giới thiệu đến bạn đọc bài chia sẻ của KTS Nguyễn Anh Cường (Nhabe Scholae) trong khuôn khổ chương trình ALP Mini-talks - hoạt động mở rộng của Architecture Leader Perspective (ALP) được khởi xướng bởi LIXIL Việt Nam và thực hiện bởi Xhubvietnam.com, AGOhub và KIENVIET MEDIA. ALP Mini-talks mang đến chuỗi thảo luận chuyên sâu về Kiến trúc - Thiết kế, với sự góp mặt của nhiều diễn giả có tiếng trong và ngoài nước.

Chúng tôi muốn xem xét không gian thiêng xuất phát từ kinh nghiệm mặc khải của thiên chúa giáo, có nghĩa là ta sẽ không xem không gian thiêng như một thực thể độc lập mà tôi cho rằng tính thiêng luôn được gắn với kinh nghiệm về nơi chốn và thực hành của chủ thể. Qua việc chỉ ra các tính chất của sự mặc khải, ta sẽ thấy làm cách nào mà các tổ chức không gian trả lời đòi hỏi ấy bằng cách nhấn vào khía cạnh này hay kia trong số đó. Sau khi chỉ ra những diễn giải về không gian, chúng ta sẽ xem xét cao trào của thực hành cộng đồng bên trong không gian đó, tức trong hoạt động lễ rước, với ý định chỉ ra rằng sự kết hợp của không gian và thời gian mới thực sự diễn giải trọn vẹn ý nghĩa của của tính thiêng.

Truyền Tin (Annonciation), 1430 – Fra Angelico

Đầu tiên, cần lưu ý đến những khó khăn khi bàn về kinh nghiệm tôn giáo. Lý do là những trải nghiệm về loại này vốn luôn có tính cá thể, đặc dị và bất khả tư nghị. Tuy vậy, ta có thể đồng ý với nhau rằng phần lớn các miêu tả đều ghi lại một trạng thái đơn giản, trong suốt, bất phân và hòa nhập, cũng chính vì vậy mà dường như nó kháng cự lại các diễn giải bằng ngôn lời. Đặc điểm trực tiếp và giản dị ấy thể hiện trong câu nói thời danh của John 4:16:  “Ὁ Θεὸς ἀγάπη ἐστίν, καὶ ὁ μένων ἐν τῇ ἀγάπῃ ἐν τῷ Θεῷ μένει καὶ ὁ Θεὸς ἐν αὐτῷ μένει” –  “Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy“. Từ đây có thể gọi tên (một cách hoàn toàn khái lược) 3 khái niệm, hay 3 chủ đề như sau:

1. Sự dấn thân (tình yêu thương).

2. Tính siêu việt (Thượng Đế ở bên ngoài).

3. Tính nội tại (Thượng Đế ở bên trong).

3 chủ đề ấy tuy vậy lại bao gồm lẫn nhau, không thể tách rời, đây là điều cần lưu ý đối với giáo lý Thiên Chúa giáo (cái cao cả vừa siêu vượt, vừa nhập thế một cách trọn vẹn trong thân phận của Christ). Như cách mà Bachelard mô tả ở kinh nghiệm thẩm mỹ đứng trước một cảnh quan mênh mông, tức một sự nhân đôi cảm giác miên viễn bên ngoài, lại nảy ra ngay trong tâm hồn (Thi Học Không Gian). Cảm giác hòa quyện, lồng ghép này cũng là cái mà Jaspers gọi một cách thi vị là Bao Dung Thể.

Như vậy, ta có thể diễn giải 3 chủ đề đó trong không gian như:

1. sự dấn thân hay sự đứt gãy (templum, contemplatio) với môi trường thế tục.

2. Sự siêu việt trong cảm giác hùng vĩ.

3. Sự nội tại qua cảm giác đầy tràn trong nội tâm.


Để ý rằng nếu sự siêu việt được hình dung như ánh sáng thiên thanh của trí tuệ thì sự nội tại lại thường được định tính qua hố thẳm và bóng khuất bên trong tâm hồn; theo đó mà các phạm trù đối lập này chỉ có thể vượt qua trong kinh nghiệm về đức tin hay tình yêu thương Thiên Chúa giáo.

Tỉ lệ nhân hình học – Francesco di Giorgio Martini

Santa Maria Novella -Leon Battista Alberti

Tuy vậy, ngay cả sự thể hiện thuần túy cái hùng vĩ có thực sự hiệu quả và thích đáng với khái niệm về Thượng Đế, thứ vốn không có gì lớn hơn có thể suy bàn (Anselm)? Để ý rằng chính sự phát triển tư duy thần học về cái vô tận trong thời Trung cổ đã mở đường cho một tư duy khác, thiên về tỉ lệ nhân hình học trong kiến trúc của thời Phục Hưng (Francesco di Giorgio Martini và Leon Battista Alberti). Thượng Đế không thể tiếp cận trực tiếp bằng kiến trúc (vốn hữu hạn), nhưng ta có thể sử dụng các phương tiện gián tiếp để đến với Ngài (Ngài là ngọn núi của các ngọn núi, thanh gươm của các thanh gươm v.v..). Phép ẩn dụ tỉ lệ và hình ảnh ước lệ, như thế, ban cho các cấu kiện trừu tượng của kiến trúc một kích thước có thể nắm bắt được bởi tinh thần và cảm giác, đồng thời chuyển sự quan tâm của kiến trúc sư từ việc tìm kiếm có tính cấu trúc (to hơn, cao hơn) về các quan tâm có tính thân thể, cảm giác và tỉ lệ. Dù thế nào thì thần học phủ định và cách tư duy ước lệ hay ẩn dụ tỉ lệ đều chỉ ra các nan đề trong việc hữu hình hóa khái niệm về vô hạn qua các tạo tác trong trần thế.

Cách tiệp cận thứ hai, gắn với tính nội tại về cơ bản cũng đặt ra các câu hỏi không dễ trả lời, vốn nằm trong tính chất phi vật thể của nội tâm và tính chất bao hàm của tính thiêng trong mọi vật: mỗi tồn tại đều biểu đạt trọn vẹn thần tính, đều mang trong mình quyền năng của cái siêu việt. Như cá ở trong nước thì không thể nói gì về nước, tính nội tại cũng khó được diễn tả một cách thấu đáo bên trong không gian.

Hai ví dụ được đưa ra để minh họa cho việc khớp nối cả ba chủ đề này một cách nhuần thục là nhà thờ Marco de Canaveses của Siza và Ronchamp của Le Corbusier. Trong cả hai ví dụ đều có sự kết hợp giữa các ngôn ngữ nhấn vào tính siêu việt, sự thăng hoa và hùng vĩ của không gian và ánh sáng, đan xen với các yếu tố về tỉ lệ thu về kích thước của con người, chất cảm bề mặt vật liệu địa phương và sự nối kết với phong cảnh tự nhiên.

Marco de Canaveses của Siza

Phần thứ hai của bài chia sẻ bàn về thực hành nghi lễ trong không gian. Nghi lễ, theo cách nhìn nhân học, chính là một chuỗi hành vi được mã hóa và thực hiện theo trật tự. Theo cách hiểu này, có thể nói tính chất quy phạm và lặp lại của nghi lễ từ thái sơ đã gắn trực tiếp với hành vi cư lưu ổn định của các cộng đồng. Tính lặp lại theo trật tự giúp hình thành các thói quen, kết tạo kí ức và gắn kết cộng đồng với một huyền sử chung.

Đối với truyền thống Thiên Chúa Giáo, lễ rước mang cấu trúc Con Đường, tức chặng đường dịch chuyển từ trạng thái xao lãng và phân tán trong trần thế về với ngôi nhà và sự hợp nhất với Thiên Chúa (ngụ ngôn về Đứa con hoang đàn). Đây không đơn thuần là một ẩn dụ thuần túy ý niệm, mà cần được trải nghiệm bằng thân thể một cách liên tục, thực hành và bước đi trong không gian. Không gian tuyến tính của lễ rước theo đó có nhiệm vụ dẫn hướng và điều tiết nhịp điệu của cơ thể trong nghi lễ này: sự đóng mở, giật cấp, co thắt và kéo dãn các phân đoạn… Không gian được biên đạo và điều phối nhịp điệu của sự kiện và tạo ra các điểm nhấn cho kinh nghiệm này. Trong lễ rước, trải nghiệm về không gian gần như không thể tách rời các hoạt động của cơ thể (ca hát, tụng kinh, cầu nguyện). Theo đó, kí ức về đấng Christ có thể được triệu hồi một lần nữa, được nhập thể, cảm thông và sống lại bởi cái cộng đồng đó trong một khung thời gian song song. Nếu không gian thiêng là sân khấu để chuẩn bị cho kinh nghiệm tôn giáo thì nghi lễ chính là hạt nhân kích hoạt, tổng hòa và chuyển hóa nó thành một trải nghiệm thông suốt với tính thiêng, trong đó không gian giãn ra theo chiều tuyến tính, còn thời gian thì co thắt bên trong một kí ức được tái lặp, tân mới một lần nữa.

Lễ rước thánh giá ở Ronchamp

Tin tức liên quan

Tin tức mới