X-Hub HN 038.365.1994
X-Hub HCM 0911.345.665

[ALP Mini-Talk #2] Đánh thức thần linh trong bối cảnh đổi mới: MỘT NGHIÊN CỨU VỀ TÁI TẠO KHÔNG GIAN THIÊNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

[ALP Mini-Talk #2] Đánh thức thần linh trong bối cảnh đổi mới: MỘT NGHIÊN CỨU VỀ TÁI TẠO KHÔNG GIAN THIÊNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

[ALP Mini-Talk #2] Đánh thức thần linh trong bối cảnh đổi mới: MỘT NGHIÊN CỨU VỀ TÁI TẠO KHÔNG GIAN THIÊNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

Xin giới thiệu đến bạn đọc bài chia sẻ của TS. Hoàng Văn Chung, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong khuôn khổ chương trình ALP Mini-talks - hoạt động mở rộng của Architecture Leader Perspective (ALP) được khởi xướng bởi LIXIL Việt Nam và thực hiện bởi Xhubvietnam.com, AGOhub và KIENVIET MEDIA. ALP Mini-talks mang đến chuỗi thảo luận chuyên sâu về Kiến trúc - Thiết kế, với sự góp mặt của nhiều diễn giả có tiếng trong và ngoài nước.

ĐÁNH THỨC THẦN LINH TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI: MỘT NGHIÊN CỨU VỀ TÁI TẠO KHÔNG GIAN THIÊNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

Tóm tắt: Dựa trên các dữ liệu thu thập được đối với thực tiễn các hoạt động làm biến đổi không gian thiêng thuộc tôn giáo dân gian ở đồng bằng sông Hồng, chúng tôi nêu giả thuyết rằng đã diễn ra một quá trình gọi là tái tạo không gian thiêng ở khu vực này. Bài viết phân tích, làm rõ các đặc điểm và thành tố của quá trình mà chúng tôi cho là quan trọng này. Nghiên cứu này đóng góp cho cơ sở lý luận và thực tiễn cho nghiên cứu về biến đổi tôn giáo dân gian hiện nay ở khu vực đồng bằng sông Hồng.

1. Dẫn nhập

Từ Đổi mới, đã có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của các niềm tin và thực hành hướng tới các lực lượng siêu nhiên hay cái thiêng ở đồng bằng sông Hồng. Sự phục hồi và phát triển ấy không chỉ là sự trở lại của những niềm tin tôn giáo đã biết, sự xuất hiện những niềm tin tôn giáo mới mẻ, mà còn là việc thực hiện những tác động đến các không gian và kiến trúc vật chất nơi người dân thờ cúng các đối tượng thiêng, gọi là các không gian thiêng.

Các không gian thiêng thuộc tôn giáo truyền thống mà chúng tôi quan tâm ở đây gồm nơi thờ cúng tổ tiên trong gia đình; nơi thờ tổ tiên của dân tộc, thần, thánh, các vị mẫu.... Những nơi này tồn tại dưới dạng gian thờ, đình, đền, miếu, điện, nghè, phủ. Nghiên cứu này không tập trung vào các không gian thờ Phật, thường được biết là chùa hay tự viện, hay không gian thờ cúng của các tôn giáo khác như Công giáo, Tin Lành, Islam.

Các không gian thiêng thuộc tôn giáo dân gian dù đa dạng, tồn tại phổ biến nhất trong liên hệ với ngôi chùa. Mô hình tam giác Chùa-Đình-Đền (miếu) có thể thấy ở nhiều làng quê ở đồng bằng sông Hồng. Trong quan niệm phổ biến nhất, người Việt Nam có xu hướng nhấn mạnh "tính thiêng” qua sự linh ứng/ linh nghiệm (responsiveness/efficacy) và bí hiểm (mystic) hơn là nhấn mạnh vào cảm giáckhi hiện diện trong một "không gian thiêng". Sự linh ứng được đánh giá từ hai tác động ngược chiều nhau là “ban phúc” (đối với người làm vừa lòng đối tượng được tôn thờ) và “giáng họa” (đối với người có lời nói và hành vi mạo phạm đến đối tượng được tôn thờ). Một "không gian thiêng" thuộc tôn giáo dân gian thường là nơi người Việt Nam tìm đến để cầu xin các "đấng thiêng" giúp họ giải quyết những vấn đề gặp phải hàng ngày. Do đó, người ta sẽ quan tâm đến những "không gian thiêng" nào mà người ta có thể kiểm nghiệm được sự linh ứng/linh nghiệm hơn là nhấn mạnh mối liên hệ bền vững  cố định với một vài "không gian thiêng" cụ thể trong suốt cuộc đời mình. Nhưng sự linh ứng lại không bao giờ diễn ra như một cái gì đó luôn đoán định được. Chính trải nghiệm sự linh ứng khác nhau mà cùng một không gian thờ cúng có thể là "thiêng" với người này mà lại "không thiêng" với người khác, "lành" với người này mà lại "dữ" với người khác. Trong khi đó, bí hiểm ở đây là cảm nhận của người đến "không gian thiêng" về cái gì đó khó giải thích, kỳ bí, dị thường, vì thế mà gây ra sự sợ hãi.

2. Các hoạt động chính làm biến đổi không gian thiêng

Chúng tôi đã chỉ ra các yếu tố (gồm tự nhiên và con người) đã tác động vào các không gian ấy, đặc biệt trong bối cảnh Đổi mới. Các tác động ấy đến từ các nhóm hoạt động tiêu biểu gồm phục dựng, sửa chữa, nâng cấp và xây mới.

Từ những dữ liệu đã được xử lý của cuộc khảo sát, có thể rút ra 3 xu hướng nổi trội tác động đến "không gian thiêng", bao gồm: phục dựng và sửa chữa, nâng cấpxây mới. Các xu thế này đã và sẽ căn bản biến đổi các không gian này từ trong ra ngoài và phù hợp nhu cầu cũng như quan niệm của bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội mới. Hình dưới đây cho thấy các hoạt động phổ biến nhất đã diễn ra.

Trường hợp phục dựng

Miếu thờ làng Nhân Chính, đường Vũ Trọng Phụng
(Thanh Xuân, Hà Nội)

Trường hợp nâng cấp

Trường hợp xây mới

ĐỀN THỜ LÝ THƯỜNG KIỆT (Yên Phong, Bắc Ninh). Tượng Thái úy Lý Thường Kiệt, đúc bằng đồng, cao 9 m, nặng 16 tấn. Năm khởi công: 2017; năm hoàn thành cơ bản: 2020; tổng diện tích: 9 ha; dự toán tổng thể: 254 tỷ đồng.

Nhà tưởng niệm Bác Hồ (k9)

3. Quá trình tái tạo không gian thiêng trong bối cảnh Đổi mới

Từ phân tích dữ liệu thu thập được, chúng tôi đi đến nhận định rằng đã diễn ra một quá trình được gọi là tái tạo không gian thiêng được cấu thành bởi các nhóm hoạt động làm biến đổi không gian thiêng có sự liên hệ chặt chẽ như sau:

Tái tạo trên phương diện ý nghĩa, giá trị và chức năng:

Nhóm hoạt động này bao gồm các hành vi cụ thể. Thứ nhất là xác định lại đối tượng và nghi lễ thờ cúng. Thứ hai, là việc phục dựng lại nghi lễ và thực hành nghi lễ đều đặn. Thứ ba là xác định và khẳng định các giá trị của cơ sở thờ cúng. Đánh giá giá trị của cơ sở thờ cúng tại địa phương thường xuất phát từ giới trí thức. Việc xác định giá trị của cơ sở thờ cúng cũng là một hoạt động mà nhà nước và người dân rất quan tâm. Giá trị của một cơ sở thờ cúng trước tiên nằm ở việc nó được dựng lên để thờ cúng người có tầm quan trọng như thế nào đối với cộng đồng và với dân tộc. Tiếp đến, giá trị thể hiện ở việc nó đã có vai trò thế nào với quá trình dựng nước và giữ nước, cũng như làm cách mạng sau này. Nhiều di tích có giá trị lớn về mặt lịch sử do có sự viếng thăm hiện diện của các nhân vật chính trị lớn, hoặc của cán bộ hoạt động cách mạng sau này. Một số lớp giá trị do đó đã được khoác lên một cơ sở thờ cúng. Hơn nữa, giá trị của cơ sở thờ cúng còn nằm ở sự độc đáo và quý hiếm của kiến trúc nghệ thuật, chi tiết trang trí. Giá trị của cơ sở thờ cúng còn biểu hiện ở các loại tượng, đồ thờ, cũng như các vật quý hiếm còn lưu giữ được. Nhiều cơ sở thờ cúng trở nên có giá trị cao trong bối cảnh ngày nay còn do yếu tố vị trí do có cảnh quan đẹp. Những giá trị ấy được đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá, và làm cho nổi bật hơn so với trước đây. Thứ tư là gán thêm chức năng mới cho không gian thiêng. Đối với không gian thiêng của cộng đồng, việc gán thêm chức năng mới có thể quan sát rõ hơn nhiều. Trước tiên, đó là nơi nhà nước thực hiện các chương trình văn hóa. Hơn nữa, không gian thiêng thể hiện thêm chức năng bảo lưu và trưng bày ký ức tập thể. Điều này có thể quan sát rõ với không gian thiêng của cộng đồng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các ngôi đình, miếu, đền là kết tinh của triết lý về vũ trụ, kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, nghệ thuật tạo hình... Mặt khác với các không gian thiêng có tầm quan trọng lớn lao, được chính quyền trung ương và địa phương chăm lo, thì cứ sau mỗi lần tôn tạo lại khoác lên chúng một "lớp văn hóa". Kết quả là nếu bóc tách dần dần từng phần đối với một di tích được bảo lưu lâu đời, người ta có thể thấy các lớp lang kiến trúc phản ánh xu thế văn hóa đương thời khác nhau. Bên cạnh đó, các không gian thiêng sau khi được nâng cấp thường hướng tới việc tạo địa điểm và thúc đẩy giao tiếp xã hội, cố kết cộng đồng. Tiếp theo, các không gian thiêng được gán thêm chức năng là nơi nơi chốn để thư giãn, giải trí và rèn luyện sức khỏe.

Tái tạo trên phương diện cấu trúc vật chất

Phương diện này gồm các hoạt động chính như phục dựng không gian thiêng đã có; Nâng cấp không gian thiêng đã có; Xây các không gian thiêng mới.

Với xu xây mới, chúng tôi nói đến việc xây lên những không gian hoàn chỉnh và độc lập, phục vụ mục đích thờ cúng. Đối với xu thế xây mới một không gian thờ cúng như thế này, có hai hình thức chính. Thứ nhất là xây mới một công trình dựa trên chứng tích và các vị thần, thánh đã được thờ cúng ở địa phương từ trước. Hình thức thứ hai của xu thế xây mới đi cùng sự xuất hiện đối tượng thờ cúng mới. Tiêu biểu nhất là không gian tưởng niệm/thờ cúng Hồ Chí Minh. Ngoài ra, có những đình, chùa thiết kế thêm không gian thờ cúng Liệt sĩ của làng, dù hầu như xã/phường nào cũng đã có Nghĩa trang liệt sĩ.

Tìm kiếm sự chấp nhận và hợp thức hóa sự tái tạo

Sự chấp nhận này hiểu là sự đồng ý và ủng hộ của cộng đồng dân cư với thay đổi đã tạo ra với không gian thiêng vốn là thuộc sở hữu chung. Hợp thức hóa ở đây được hiểu là quá trình tìm kiếm sự thừa nhận có tính chính thức của chính quyền đối với hành vi làm thay đổi một không gian thiêng cụ thể. Về nguyên tắc, các công trình thờ cúng được tổ tiên để lại cần phải được giữ nguyên trạng, đặc biệt khi chúng đã được hồ sơ hóa và xếp hạng như các di tích văn hóa và tôn giáo, tín ngưỡng.

Như vậy, tái tạo không gian thiêng có thể coi như một quá trình được cấu thành từ ba nhóm hoạt động chính, bao gồm: (i) tái tạo trên phương diện ý nghĩa, giá trị và chức năng; (ii) tái tạo trên phương diện cấu trúc vật chất và giao diện; và (iii) tìm kiếm sự thừa nhận, hợp thức hóa cho những tái tạo đó. Ba nhóm hoạt động này, không nhất thiết luôn diễn ra theo trình tự, nhưng có mối liên hệ chặt chẽ, vừa phụ thuộc và bổ trợ cho nhau.

4. Những ẩn ý của Tái tạo không gian thiêng

Nghiên cứu này thể hiện rằng các không gian thiêng ở đồng bằng sông Hồng đã và đang trải qua quá trình tái tạo với sự tham gia của các nhân tố nhà nước và phi nhà nước. Có thể nói tái tạo không gian thiêng là quá trình kết hợp sự đổi mới trong cả tư duy và hành động khi cư dân khu vực này thực hiện hàng loạt các hoạt động làm biến đổi không gian thiêng nhằm thích ứng không gian đó với nhu cầu về niềm tin và thực hành tôn giáo của mình trong bối cảnh sống hiện tại. Sự tái tạo này là kết quả của sự định nghĩa lại đồng thời là tái cấu trúc các yếu tố cơ bản liên quan đến và thuộc về không gian thiêng do đó nó cần được xem là kết hợp đồng thời những phương thức tác động đến không gian ấy cả từ phương diện vật chất về mặt cấu trúc và giao diện mà còn phương diện ý nghĩa, giá trị và chức năng. Trong khi những thay đổi đối với phương diện vật chất thường dễ quan sát, những thay đổi đối với ý nghĩa, giá trị, và chức năng thường ngầm ẩn bên trong. Tuy thế, những thay đổi ngầm ẩn ấy có thể quan sát ở việc xem xét lại và khẳng định những lớp ý nghĩa và giá trị cũ và mới mà người ta gán cho không gian thiêng cũng như những chức năng mà người ta kỳ vọng ở không gian đó cần có trong bối cảnh mới.

Hơn nữa, tái tạo không gian thiêng ở đồng bằng sông Hồng diễn ra đồng thời trên hai bình diện. Ở bình diện thứ nhất đã diễn ra sự sắp xếp lại không gian thiêng tổng thể thông qua hồ sơ hóa, di sản hóa và hệ thống hóa các không gian thiêng; phục hồi và nâng cấp các không gian thiêng trọng điểm; xây dựng các không gian thiêng mới. Đây là sự tái tạo ở tầm mức vĩ mô, với vai trò của nhà nước mang tính quyết định. Ở mức độ vi mô, quá trình tái tạo không gian thiêng diễn ra do kết quả thay đổi từ quan niệm dẫn đến hành động nhằm xắp xếp và bài trí lại hệ thống tượng thờ và đồ thờ; nâng cấp giao diện bên trong và bên ngoài; mở rộng không gian chính hoặc không gian phụ trợ. Tổng thể sự tái tạo bên trong và bên ngoài thường mang lại một hình thức mới mẻ cho một không gian thiêng cụ thể, tới mức nó chắc chắn đã khác với phiên bản từng biết trước đây.

Đồng thời, sự tái tạo không gian thiêng hướng tới đạt lấy sự thừa nhận của cộng đồng tại chỗ nói riêng và sự thừa nhận dưới hình thức hợp thức hóa sự tái tạo ấy bởi chính quyền nói chung. Về cơ bản, sự thừa nhận và hợp thức hóa diễn ra thuận lợi với biến đổi không gian thiêng ở đồng bằng sông Hồng và điều này cũng phản ánh quan niệm khá đồng thuận về tầm quan trọng và vị trí của không gian thiêng trong không gian cư trú của người dân. Sau cùng, tái tạo không gian thiêng diễn ra trên nền tảng của, và hòa cùng với, các quá trình rộng lớn hơn diễn ra trong đời sống văn hóa nói chung và tôn giáo, tâm linh nói riêng ở Việt Nam trong những thập niên gần đây.

Đằng sau sự tập trung và gia tăng tác động của các yếu tố chính gồm nhà nước, giới trí thức, người dân địa phương và các doanh nghiệp đến các "không gian thiêng" trong bối cảnh hiện nay ta có thể thấy một số vấn đề ngầm ẩn. Thứ nhất, đó là tầm quan trọng được đặt lên niềm tin tôn giáo mà trong đó sự quan tâm đến các "không gian thiêng" – nơi diễn ra thực hành nghi lễ - là thiết yếu. Đầu tư cho tôn tạo hay xây mới các "không gian thiêng" có thể được xem là một hành vi nhấn mạnh vị trí và vai trò của niềm tin tôn giáo. Đối với nhà nước đó là công tác chăm lo, vận động quần chúng, đoàn kết toàn dân. Với người dân, trên một số phương diện nhất định có thể xem như một sự phản kháng đối với sự du nhập và áp đặt của chủ nghĩa vô thần một thời, cũng như đối với những hành vi giải Thiêng từng diễn ra trước đây và đối với quá trình thế tục hóa hiện tại. Thứ hai, cũng có thể thấy nhu cầu rất lớn trong phục hồi những thực hành văn hóa, thực hành tôn giáo có tính truyền thống, vốn có thể là phần cốt lõi của bản sắc văn hóa và tộc người không thể xóa bỏ. Phục hồi "không gian thiêng" cũng phản ánh nỗ lực bảo vệ và đề cao các giá trị văn hóa và bản sắc văn hóa – cái giờ đây được xem như nguồn nội lực vốn có thể hỗ trợ người Việt Nam tăng tốc độ hội nhập quốc tế và phản hồi trước những thách thức của toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực. Thứ ba, sự viện cầu đến "thế giới thiêng", đặc biệt trong hành vi "tái thiêng hóa", "đánh thức cái thiêng" có thể còn là một trong những chiến lược mang đậm tính duy lý mà người Việt Nam sử dụng để chinh phục những thử thách khắc nghiệt của bối cảnh sống mới, đặc trưng bởi hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường, và bởi các quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và đô thị hóa đã và đang diễn ra mau chóng. Sau cùng, động cơ kinh tế trong tác động đến "không gian thiêng" là điều không thể phủ nhận. "Du lịch tâm linh" là một khái niệm mới, nhưng rất được chú ý bởi cả chính quyền, người dân, và các doanh nghiệp. Chính các "không gian thiêng", giờ đây đang được "hàng hóa hóa", nằm ở trung tâm của ngành công nghiệp đang phát triển rất mạnh mẽ này.

[1] TS., Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Nghiên cứu này của tác giả được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài "Sự biến đổi của không gian thiêng trong bối cảnh Đổi mới ở Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp tôn giáo truyền thống ở Đồng bằng sông Hồng", mã số: 603.05-2018.302.

Tin tức liên quan

Tin tức mới