X-Hub HN 038.365.1994
X-Hub HCM 0911.345.665

[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #9] Kiến trúc Ý niệm (Conceptural Architecture)

[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #9] Kiến trúc Ý niệm (Conceptural Architecture)

KTS Hồ Mộng Long

KTS Hồ Mộng Long

KTS

Xin giới thiệu đến bạn đọc bài chia sẻ của KTS Hồ Mộng Long trong khuôn khổ chương trình ALP Mini-talks #9 - hoạt động mở rộng của Architecture Leader Perspective (ALP) được khởi xướng bởi LIXIL Việt Nam và thực hiện bởi Xhubvietnam.com, AGOhub và KIENVIET MEDIA. ALP Mini-talks mang đến chuỗi thảo luận chuyên sâu về Kiến trúc - Thiết kế, với sự góp mặt của nhiều diễn giả có tiếng trong và ngoài nước.


Kiến trúc Ý niệm (Conceptural Architecture):

“Không gian kết nối”

Kts. Hồ Mộng Long_HMLarchitecture

NỘI DUNG:

1.Khái niệm và bản chất.

2. Biểu hiện.

3.Một số ví dụ trên thế giới và những dự án mà HMLarchitecture đã và đang thực hiện theo ý niệm: Không gian kết nối.

1.    Khái niệm và bản chất:

a)    Khái niệm:

•    Nghệ thuật ý niệm/ khái niệm/ vị niệm (Conceptual art)  là một trào lưu về nghệ thuật trong đó những khái niệm hoặc ý tưởng liên quan đến tác phẩm được ưu tiên hơn các mối quan tâm về thẩm mỹ, kỹ thuật và vật chất truyền thống. Một số tác phẩm nghệ thuật khái niệm, đôi khi được gọi là nghệ thuật sắp đặt, có thể được xây dựng bởi bất kỳ ai chỉ bằng cách làm theo một loạt hướng dẫn bằng văn bản. Phương pháp này là nền tảng cho định nghĩa của nghệ sĩ người Mỹ Sol LeWitt về nghệ thuật khái niệm. 

•    Kiến trúc ý niệm: 

+ Kiến trúc được xem là một ngành nghệ thuật và khoa học về tổ chức sắp xếp không gian. Mỗi công trình kiến trúc đều cần có một khái niệm, mục tiêu chính rõ ràng. Từ đó, dẫn dắt tất cả các giải pháp về công năng, hình khối và yếu tố kỹ thuật đi theo một cách thống nhất.  

+ Khái niệm trong kiến trúc định nghĩa rõ một đối tượng, một cách thức, một mối liên hệ… và chúng có tính phổ quát, để có thể ứng dụng được đa dạng trong những bối cảnh phù hợp. Những ý tưởng có thể đa dạng để làm rõ nét khái niệm.

+ KTS Louis Kahn cho rằng mỗi công trình kiến trúc đều có ý chí tồn tại và bản chất, và công việc thiết kế đầu tiên là phải tìm tòi được ý chí và bản chất đó. Đây là một trong những suy nghĩ tiền đề cho tính khái niệm cuả một công trình kiến trúc.

b)    Bản chất:

•    Ý niệm (bản chất) của công trình là quan trọng hơn cả, nó là chiến lược của một dự án. Các kiến trúc sư hoặc các văn phòng kiến trúc có thể theo đuổi một hoặc nhiều ý niệm trong quá trình hành nghề của mình và trở thành hướng đi riêng cá tính hay một đặc điểm nhận dạng. Khi những ý niệm nào đó được số đông theo đuổi và thực hành theo thì nó có thể trở thành một bản sắc kiến trúc của một vùng miền hay một dân tộc.


2.    Biểu hiện: 

-    Ý niệm thường đơn giản chứ không hề phức tạp. Điều quan trọng là tiến trình của ý niệm và nhận thức. Ý niệm ra đời, sẽ trở thành nguồn cảm ứng cho những người cảm thụ (nhà thiết kế, người sử dụng hay người thụ cảm…) có thể phát triển tiếp tục theo những ý tưởng khác, những giải pháp khác dựa trên sự dẫn dắt của ý niệm. 

-    Kết quả của kiến trúc ý niệm không hẳn là một dự án xây dựng được thực hiện ngoài thực tế mà có thể chỉ là những nghiên cứu trên giấy được đúc rút ra thành những chỉ dẫn thực hiện.

3.    Một số ví dụ trên thế giới và những dự án mà HMLarchitecture đã thực hiện:

a)    Một số tác phẩm nghệ thuật ý niệm trên thế giới

•    Fountain – Marcel Duchamp (1917): Vào tháng 5/1917, Marcel Duchamp, qua những người trung gian, đã trưng bày cái bồn tiểu kí tên R. Mutt tại phòng triển lãm 291 của Alfred Stieglitz ở New York. Duchamp cố ý muốn thử thách niềm tin của người xem với nghệ thuật, chọn một nơi đi tiểu để cố tình gây tranh cãi và xúc phạm, “Tôi đã thu hút sự chú ý của mọi người vào thực tế rằng nghệ thuật là một ảo ảnh”. Câu hỏi ở đây cũng giống như vấn đề mà các nghệ sĩ Conceptual art đưa ra, đó là “Nghệ thuật là gì?”. Việc ông có tự tay làm cái bồn ấy hay không chẳng còn quan trọng. Cốt lõi là ở chỗ ông đã chọn nó để truyền tải một khái niệm mới. Ông đã lấy một vật bình thường trong cuộc sống, đặt nó ở một nơi mà vốn dĩ không phải là chỗ của nó, khiến cho giá trị sử dụng của nó biến mất dưới cái tên gọi mới và dưới điểm nhìn mới ông đã sáng tạo một ý tưởng mới cho nó.

 

•    Wall Drawing 51 – Sol Lewitt (1970): Nghệ sĩ đã tạo ra bức vẽ trực tiếp trên tường bằng các đường thẳng màu xanh nối các điểm, các góc trong thiết kế kiến trúc của nơi trưng bày tác phẩm. Để thực hiện tác phẩm cần có một bản hướng dẫn cho phép các trợ lí của ông có thể hoàn thành đúng với hình dung ban đầu. Do đó hình thức của tác phẩm không phụ thuộc vào thẩm mỹ chủ quan của tác giả. Điều này cũng mang lại tính đa dạng cho tác phẩm. Wall drawing 51 được thực hiện ở nhiều nơi và tất nhiên chẳng có nơi nào giống nhau vì nó còn phụ thuộc vào kiến trúc của phòng trưng bày. Ý tưởng của tác giả là thứ duy nhất không đổi. Vậy mới nói thứ mà người nghệ sĩ bán là concept. 

b)    Một số kiến trúc ý niệm trên thế giới và Việt Nam:

•    Concept: Nhà trên cột ( các nguyên tắc của Le Corbusier – Pilotis) được đề cập đến là thiết kế tự do trên mặt phẳng, thiết kế tự do mặt trước, cửa sổ ngang và vườn trên mái, những nguyên tắc này đã được áp dụng rộng rãi trong kiến trúc hiện đại và tiếp tục ảnh hưởng đến các dự án kiến trúc đương đại thể hiện qua cách vận dụng đa dạng. Năm luận điểm này đã trở thành “kim chỉ nam” cho những công trình mới – như cách mà Le Cobusier đã dùng để gọi nó. Ngay cả nhiều thập kỷ sau, với cuộc cách mạng bùng nổ công nghệ số, nhu cầu xã hội phát triển, những vật liệu mới được tìm kiếm để đưa ra giải pháp phù hợp thì mọi kiến trúc sư đều vận dụng bộ khung mà Cobusier đưa ra từ khoảng một thế kỷ trước để làm cơ sở cho nền móng mới. 

Trong vài thập kỷ qua, nhiều công trình kiến trúc được thiết kế thể hiện tối thiểu một dấu hiệu trong năm luận điểm của Le Corbusier. Bất cứ khi nào một tòa nhà được thiết kế với nhiều hơn một trong số những luận điểm trên – hoặc thậm chí cả năm thì với mối quan hệ giữa những điểm này được làm mới và trở nên mạnh mẽ hơn. Từ đó giá trị của tòa nhà này sẽ được tái khẳng định và là di sản hiện đại của kiến trúc hiện tại.

5 nguyên tắc cơ bản:

+ Nhà trên cột

+ Thiết kế tự do trên mặt bằng

+ Thiết kế mặt tiền tự do

+ Cửa sổ ngang

+ Vườn trên mái

 

•    Concept: Mối liên hệ giữa kiến trúc và gió do kts Toyo Ito, Nhật Bản sáng tạo. Ông luôn quan tâm đến 3 yếu tố: khí hậu, gió và mặt trời. Sự giao cảm kiến trúc lịch sử Nhật Bản vốn coi trọng sự kết hợp thiên nhiên với tư duy của Toyo Ito, vì thế “kiến trúc của sự phản ánh bởi những làn gió”. Nhưng thiên nhiên ở đây không hoang dã, mà chính những làn gió đã được điều khiển bởi một chương trình vi tính có thể làm thay đổi hướng cũng như biến thành các tín hiệu quang học. Chính Ito đã viết trong một bài chuyên khảo về sự kỳ lạ và sức mạnh của những con chip của máy tính. Kiến trúc của Ito được xem là tươi mới và sáng trong như những làn gió. Ito muốn các tác phẩm kiến trúc của ông trở thành “những tượng đài”, trở thành “những bộ quần áo” hay là “da dẻ”, bao bọc cho con người, một “làn da” thứ hai, mềm mại và hữu cơ. Ta có thể nói, Ito xử lý kiến trúc như là những nhà thiết kế “thời trang” (Fashion designer), và khái niệm này được xem như là “ẩn dụ” (Metaphor). “Kiến trúc phản ánh bởi gió” là một phần của quan điểm trung tâm của Ito là cần tạo nên những “đô thị được bọc lót”. Một trong những đặc điểm khác của kiến trúc Toyo Ito là “cần thiết phải thiết lập những kiểu không gian mới” – thú vị và được xử lý có chất lượng cao – để thích ứng cũng như trụ lại được với những ưu, nhược điểm của một thời đại đầy rẫy tính phù du vừa bị điều khiển bởi điện tử”.

   Tháp gió, 1986, Yokohama-shi, Kanagawa, Nhật bản:

Tháp Gió – theo mong muốn của tác giả – là biểu tượng của sự hợp tác giữa gió và điện tử. Được đặt ở Yokohama, sang trọng và trong suốt, hình trụ, được trang trí lung linh bởi 1300 ngọn đèn nhỏ. Toà Tháp Gió này đã từng gây ra sự thắc mắc đây là một toà nhà dùng để làm gì? có chức năng gì? ít người quan niệm đây là một chương trình kĩ thuật (một toà tháp để thông gió và chứa nước).

 

KTS Toyo Ito: Đây là hoa Anh Đào, biểu tượng của nước Nhật. Hàng năm, hình ảnh mọi người nhảy múa, ca hát dưới gốc Hoa Anh Đào là một nguồn cảm hứng và với tôi, đó là điểm mấu chốt của kiến trúc Nhật Bản. Đây là tán của các cây hoa Anh Đào, dưới gốc cây, mọi người đang tự do chọn cho mình một khoảng trống để quây quần, Và đây chính là bước đầu tiên của tôi: “Tạo ra địa điểm, nơi chốn”. Đây là cách mà ông tìm ra mối quan hệ giữa kiến trúc và thiên nhiên.

  

Thư viện Sendai Mediatheque - Toyo Ito

•    Concept: Bình phong trong kiến trúc truyền thống của Việt Nam

Theo các nhà nghiên cứu về phong thuỷ, việc sử dụng bình phong cho gia trạch cũng như mộ phần bắt nguồn từ lý thuyết về Triều và án trong Phong thuỷ. Triều có nghĩa là “quay về, hướng về”, viết tắt của chữ Triều sơn, tức chỉ núi quay về, chầu về nhà cửa hay mộ phần, tựa như sự đối ứng giữa chủ và khách. Núi chầu về trong nghĩa triều sơn chỉ những ngọn núi ở phía xa và ở mặt trước. Triều sơn có nhiều loại, có loại đỉnh nhọn, đỉnh bằng, đỉnh tròn.... Trong Phong thuỷ thường chỉ chuộng loại núi tròn đều hay ngang bằng bởi cho rằng loại núi nhọn hay có góc cạnh thường phát ra khí chẳng lành. Còn “án” vốn nguyên có nghĩa gốc là cái bàn, bàn đương nhiên là đặt trước mặt của người ngồi. Án sơn là để chỉ ngọn núi nhỏ ở phía trước gia trạch hay mộ phần. Nói chung, triều và án hết sức cần thiết cho gia trạch và mộ phần, tác dụng của chúng là ngăn cản những ảnh hưởng xấu (theo quan niệm dân gian) hay Hỏa khí (theo thuyết âm dương Ngũ hành) xâm nhập trực diện từ phía trước. Nếu không có án, người ta thường tạo nên những vật thay thế như đắp non bộ, trồng hàng rào hay xây bức tường ngắn... Chiếc bình phong ra đời từ đây. Rất nhiều vùng miền tại Việt Nam sử dụng bình phong khi xây dựng công trình. Hình dạng và chất liệu, đường nét, chi tiết rất phong phú tù thuộc vào văn hóa bản địa. Hiện nay, Huế là nơi còn giữ lại được nhiều kiểu bình phong nhất. Điều này cũng dễ hiểu vì Huế là cố đô cuối cùng của Việt , lại vẫn giữ được khá nguyên vẹn diện mạo của kinh đô thời quân chủ. Nhưng không chỉ trong kiến trúc cung đình mà ngay cả ở đền chùa, am miếu, đình làng, nhà thờ họ... dường như nơi nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy những bức bình phong được trang trí cầu kỳ, tinh xảo.

 

c)    Một số dự án do HMLarchitecture thực hiện theo ý niệm: “Không Gian Kết Nối”

•    Dẫn luận: Theo học thuyết Âm Dương trong văn hóa Á Đông, vạn vật đều mang các yếu tố và tồn tại trong hai trạng thái âm dương. Mọi vật trên Trái Đất từ có ý thức tới không có ý thức, từ khoáng chất cho đến cây cối, động vật cho tới con người luôn cần có đủ và cân bằng hai nguồn năng lượng âm dương để sinh trưởng và biến đổi. 

Ý thức của con người cũng vậy, luôn song hành việc hướng ra bên ngoài đồng thời cũng hướng vào thế giới bên trong. Chỉ trong môi trường của tồn tại lý tưởng ấy chân lý mới phát lộ ra cho ta bằng con đường tiếp cận vào bản chất bằng trực giác. Trong các hoạt động xã hội, nhu cầu chung của con người là kết nối với thế giới xung quanh đồng thời kết nối với chính mình, vào nội tâm sâu thẳm bên trong mỗi người. Kiến trúc là một phần trong thế giới, vai trò của kiến trúc sinh ra để phục vụ con người và cần đáp ứng được những nhu cầu giúp cho ý thức con người luôn được cân bằng để tái tạo và phát triển các tầng thức năng lượng. Ý niệm về “Không gian kết nối” ra đời để thực hiện những chức năng như vậy.

•    Các dạng không gian:

-    Không gian kết nối con người với tự nhiên.

-    Không gian kết nối con người với con người.

-    Không gian kết nối với chính mình.

•    Một số dự án ứng dụng:

-    Share Tower, Hà Nội: 

Trên khu đất gần 4000m2, có 4 mặt tiền tại Hà nội, một tòa nhà cao 26 tầng và 3 tầng hầm với chức năng hỗn hợp: khối thân là văn phòng và căn hộ cho thuê, khối đế là shop house. Mặt hướng Bắc phía mặt đường Chùa Láng đối diện khu công viên và hướng Hồ Tây. Mặt hướng Đông là đường lớn 30m. Hai mặt còn lại là đường nhỏ vào các khu dân cư thấp tầng bên trong. Với ý niệm “Không gian kết nối”, chúng tôi tạo ra những vùng khoảng trống giữa các khối nhà để mở ra sự kết nối các hoạt động của công trình với đô thị. Khu công cộng tầng trệt hòa vào dòng chảy giao thông của đô thị, gắn kết công trình và bối cảnh thành một thể hữu cơ đầy sức sống. Hệ giao thông mở kết nối theo chiều đứng và chiều ngang giữa các khối chức năng công cộng của tòa với giao thông đô thị tạo thành sự liên tục, tăng các hoạt động tương tác cuả mọi người. Ngoài ra, các khoảng trống kết nồi này tạo thành các điểm để gió từ Hồ Tây thổi vào, ngoài việc công trình được hưởng lợi từ tự nhiên, sẽ kết nối cho những khu dân cư thấp tầng phía bên trong. 

   

 

 

-    Nhà hàng Nam Long, Hà Nội: 

Đây là dự án một Nhà hàng tại Khu đô thị Tứ Hiệp, Thanh Trì Hà Nội. Với mong muốn tạo dựng sự cân bằng giữa việc tối đa hóa diện tích dành cho thương mại với việc tạo ra những khoảng trống để bù lại diện tích cây xanh, điểm nhìn và gió mát đã bị lấy đi. Khoảng không gian thiên nhiên trong công trình được tạo ra với mục đích kết nối con người gần hơn với thiên nhiên và kết nối với cả thiên nhiên cuả đô thị. Đồng thời chúng tôi muốn thông qua các giải pháp kiến trúc của công trình tạo cảm hứng cho cư dân trong đô thị nhận thấy giá trị của cây xanh đem lại cho con người và ý thức hơn về việc xanh hóa nơi ở trong cộng đồng.

  

-    Khách sạn Trống, Hà Nội: 

Hà Nội, thành phố có một lịch sử hình thành và phát triển rất lâu đời, là nơi mà ở đó các lớp thời gian, các lớp lịch sử cứ xuất hiện rồi chồng đè lên nhau tựa như những lớp địa tầng của thời gian. Khu Phố cổ Hà Nội, một trong những khu phố buôn bán truyền thống cuối cùng của Đông Nam Á. Mặc dù có diện tích không lớn, nhưng đây là nơi hội tụ nhiều đặc điểm của văn hóa thành thị Việt Nam, nay vẫn là trung tâm văn hóa - kinh tế và là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thành phố. Đây là một dự án khách sạn boutique tiêu chuẩn 5 sao tại Hà Nội. Quá trình phát triển quá tải, không đồng bộ khiến cho mật độ xây dựng tại Hà Nội quá lớn. Những khoảng trống vốn có của Hà Nội dần bị thu hẹp. Đó là khoảng thở của đô thị, là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng của người dân thủ đô. Thiết kế lấy cảm hứng từ ý niệm “Không gian kết nối”, chúng tôi muốn bỏ bớt những khoảng không gian sử dụng tiện ích trong công trình để tạo lập những khoảng trống dành cho việc tích hợp các hoạt động văn hóa phục vụ cộng đồng, quảng bá văn hóa Hà Nội. Kết nối những người thợ thủ công truyền thống, tạo công ăn việc làm bằng việc khai thác những sản phẩm truyền thống trong kiến trúc và nội thất. Những không gian workshop để quảng bá văn hóa 36 phố phường tới du khách để phát triển du lịch. Những khoảng trống cũng giúp cho những du khách có những trải nghiệm đặc biệt, khác lạ đồng thời góp phần đề cao ý thức về giá trị của những khoảng trống để cải thiện không gian sống của người dân thủ đô bớt ngột ngạt…

 

 

 


 


 

 


-    Triển lãm Đối Thoại_ VNDW2021: 

Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021 với chủ đề đánh thức truyền thống. Sự kiện do Viện Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức tại 3 thành phố: Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh. Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021 là chương trình tôn vinh các sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc của Việt Nam thuộc các lĩnh vực: Thiết kế truyền thông, thiết kế đồ nội thất, thiết kế vật dụng trang trí, thiết kế trang phục, thiết kế công cộng… Chương trình điểm nhấn của Tuần lễ thiết kế Việt Nam 2021 là cuộc thi Designed by Vietnam (thiết kế Việt Nam), lấy cảm hứng từ truyền thống văn hóa và tri thức dân gian để sáng tạo nên những sản phẩm có tính ứng dụng cao, mang giá trị thương hiệu thiết kế Việt Nam. Để tôn vinh các tác giả và tác phẩm đạt giải, BTC cuộc thi đã xây dựng một không gian triển lãm để trao giải và giới thiệu tới công chúng. Địa điểm tổ chức tai Văn Miếu, Quốc tử Giám, Hà Nội. Nơi đây cũng hứa hẹn sẽ là nơi để tổ chức các hoạt động liên quan đến sáng tạo của Hà Nội trong tương lai, hiện thực hóa thương hiệu: " Hà Nội, thành phố sáng tạo" do Unesco công nhận 2019 vừa qua.

Với ý niệm “ Không gian kết nối”, chúng tôi muốn tạo lập một không gian ở đó người thưởng lãm nghệ thuật có thể kết nối với tác phẩm, với di sản và kết nối với chính nội tâm của mình. Khác với nghệ thuật phương Tây, tinh thần nghệ thuật Á Đông phụ thuộc vào sự giao thoa giữa sự cảm thụ của chính những người thưởng lãm tác phẩm và những suy tư của nghệ sĩ thông qua tác phẩm của họ. Nghệ thuật từ đó không còn ranh giới giữa cao thấp, tốt xấu mà nó chỉ phản ánh cuộc đối thoại không có điểm dừng giữa những người / vật trong cuộc. Từ góc độ nhìn nhận này, chúng tôi muốn tạo ra 1 không gian trưng bày mà ở đó, mỗi tác phẩm tự nói tiếng nói của nó, đối thoại cùng người xem và đối thoại với chính di sản chứa đựng nó. Chính điều đó sẽ tạo ra một sức sống của mỗi tác phẩm khi nó đã qua giai đoạn sở hữu của cá nhân tác giả. Một đời sống mới, một giá trị mới.

  

  


   

  

-    Khách sạn The Code_Đà Nẵng: 

Lấy cảm hứng từ những giá trị văn hóa của người Chăm, đó là những Tháp Chăm rải rác trên rải đất duyên hải miền Trung Việt Nam hàng nghìn năm nay, chúng tôi tạo ra một cấu trúc phản ánh bối cảnh đô thị Đà Nẵng , ở đó có sự giao thoa giữa Đời sống hiện đại năng động của người dân với không gian của các đền đài Chăm Pa gần gũi, thân thiện, hòa nhập thiên nhiên. Nơi đây hài hòa giữa cả sự chỉnh chu nghiêm túc và nét lãng mạn, hiền hòa, tạo nên một tổ hợp không gian đa dạng bên trong cùng một kết cấu, thể hiện tinh thần văn hóa, sự tiếp nối của bề dày lịch sử Chăm vừa tinh tế, nhưng cũng rất khoáng đạt.

Với ý niệm “ Không gian kết nối”, để khách sạn có thể tiếp cận gần gũi với thiên nhiên và đời sống của người dân và du khách, chúng tôi tổ chức tích hợp các không gian công cộng của khách sạn trong cùng một cấu trúc. Không gian sảnh đón tiếp được mở, kết hợp với không gian dịch vụ giải khát và không gian triển lãm giới thiệu Văn hóa Chăm Pa. Các hoạt động của không gian này bao gồm các triển lãm giới thiệu sản phẩm Gốm thủ công Bàu Trúc của người Chăm, các hoạt động biểu diễn văn hóa Chăm theo định kỳ. Du khách có thể tìm hiểu thêm về Văn hóa của Người Chăm nơi đâ thông qua trải nghiệm các hoạt động của Khách sạn. Kiến trúc trở thành một sợi dây kết nối con người với văn hóa bản địa.

        

-    The Khue Pavilion: 

Năm 2022, Ashui Awards là giải thưởng uy tín của ngành Xây dựng tại Việt Nam kỷ niệm 10 năm ra đời và phát triển. Sự kiện được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám , Hà Nội nhằm mục đích tôn vinh các kiến trúc sư có những tác phẩm xuất sắc, là tấm gương hành nghề của giới, khẳng định vai trò của kiến trúc sư trong xã hội. Đồng thời tôn vinh những công trình kiến trúc mới có giá trị. Tôn vinh những nhà thầu uy tín, các hãng kỹ thuật xây dựng có chất lượng chuyên môn cao, các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản có nhiều đóng góp nổi bật cho xã hội. Có thể nói đây là sân chơi hiếm có, có tác động tích cực cho sự phát triển của ngành Xây dựng tại Việt Nam. Vị trí lựa chọn xây dựng: Sân trước khu nhà tiền đường Thái học, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Không gian triển lãm ngoài nhà giới thiệu các đề cử của 10 hạng mục giải thưởng và các cá nhân và tập thể đạt giải thưởng kết hợp sân khấu trao giải. 

Với quan điểm, Khu Văn Miếu với những giá trị vật thể về Kiến trúc và phi vật thể về tinh thần Đạo học là một chất liệu đặc sắc cần được tôn vinh. Chúng tôi tạo ra một “không gian kết nối” giữa quá khứ, hện tại và tương lai khi coi toàn bộ khu Văn Miếu chính là một không gian triển lãm hoàn hảo, là một điểm nhấn của Hà Nội, khu vực sân khấu thêm vào đóng vai trò như là một lăng kính dưới góc nhìn hiện đại phản chiếu toàn bộ những giá trị này như một thông điệp giữ gìn, bảo vệ, phát triển giá trị của di sản tới thế hệ mai sau. Lấy cảm hứng từ hình tượng  Sao Khuê, biểu tượng của văn chương và Khuê Văn Các là nơi mà những bậc thi nhân xưa luôn muốn đặt chân tới, là nơi lưu lại sự thành danh cho rất nhiều danh nhân xưa. The Khue Pavilion 2022 xuất hiện và tỏa sáng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tôn vinh các cá nhân và tập thể đạt giải thưởng Ashui Awards 2021 và cả di sản Văn Miếu Quốc Tử Giám.

             


[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #1] Kiến trúc thánh đương đại Việt Nam - Những trường hợp tốt hiếm hoi

Kiến trúc thánh đương đại Việt Nam - Những trường hợp tốt hiếm hoi

KTS Vũ Hương (vn-a)

[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #2] Đánh thức thần linh - Kiến trúc Phật giáo đương đại nhìn từ Việt Nam

Kiến trúc không phải là vấn đề cô lập, mà nó song hành với Chính sách tôn giáo, tập tục dân gian, giáo nghĩa của Phật giáo.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sử

[BÀI VIẾT CHUYÊN GIA - Talk #1] Không gian thiêng - Một số trần thuật

Chúng tôi muốn xem xét không gian thiêng xuất phát từ kinh nghiệm mặc khải của thiên chúa giáo

KTS Nguyễn Anh Cường (Nhabe Scholae)