X-Hub HN 038.365.1994
X-Hub HCM 0911.345.665

Sống bền vững và mối quan hệ giữa Con người - Thiên nhiên - Kiến trúc

Sống bền vững và mối quan hệ giữa Con người - Thiên nhiên - Kiến trúc

Sống bền vững và mối quan hệ giữa Con người - Thiên nhiên - Kiến trúc

Sống bền vững là một phong cách sống đang được ưa thích và là mục tiêu hướng đến trong thời đại của chúng ta. Vấn đề sống bền vững tại Việt Nam hiện nay thế nào? Lối sống bền vững cần bắt đầu từ đâu? Thế nào là hiểu đúng và đủ về sống bền vững? Bài viết đưa ra một số gợi mở về phong cách sống bền vững, hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc. 

Chúng ta sẽ bắt đầu với một vài số liệu:

Nếu ngành công nghiệp sản xuất xi măng là một quốc gia thì đây là nơi phát thải carbon dioxide lớn thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Với hơn 4 tỷ tấn được sản xuất mỗi năm, xi măng chiếm khoảng 8% lượng khí thải CO2 toàn cầu và là thành phần chính của bê tông – vật liệu xây dựng được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.

Ngành xây dựng tiêu thụ từ 40% đến 75% nguyên liệu thô trên thế giới, bao gồm cả quặng sắt, được sử dụng để sản xuất thép và nhôm. Brazil là một trong những nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất và vào năm 2021, nguyên liệu này chiếm 1,64% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil với giá trị ước tính khoảng 2,6 tỷ USD chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2021. Nguyên liệu này đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mexico,… 

Ngành công nghiệp khai khoáng gây ra nhiều tác động đến môi trường và xã hội, theo các báo cáo do Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền và Mapa de Conflitos – Một tổ chức báo cáo về các địa điểm có rủi ro và tác động môi trường do các ngành công nghiệp gây ra, hầu như trong lĩnh vực xây dựng. Sắt chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng đã thể hiện được mức độ toàn cầu hóa và tác động lên môi trường. Sắt đóng vai trò là nguồn tài nguyên thiết yếu cho sự phát triển của các thành phố và công nghệ hiện đại, mặt khác, nó gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường và xã hội, có thể quét sạch toàn bộ đất đai và cộng đồng. Xung đột này vượt xa ra khỏi quy mô của ngành xây dựng, ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội. Do đó sự tham gia của các cơ quan chức năng là rất cần thiết để kiểm soát và hạn chế tác động xấu của nó.

Hội nghị COP 26 (Hội nghị các bên về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc) dành trọn một ngày (11/11/2021) cho vấn đề Đô thị, Kiến trúc – Xây dựng và đưa ngành công nghiệp AEC (Architecture, Engineering, and Construction) ra bàn luận trực tiếp với các nhà lãnh đạo thế giới.

Điều đó cho thấy được tác động của ngành AEC đã vượt qua phạm vi của nó và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống. Do đó việc chúng ta có những suy nghĩ về sống bền vững và chỉ đưa nó vào các công trình, các không gian sống của chúng ta thôi thì đã tạo ra những thay đổi to lớn.

Hiểu đúng, đủ về sống bền vững và những vấn đề tại Việt Nam

Sống bền vững và mối quan hệ giữa Con người - Thiên nhiên - Bền vững
Lối sống bền vững khởi đầu ngay từ những thiết kế, vật liệu bền vững trong mỗi không gian chức năng (Ảnh: GROHE)

Hành động và lời nói của chúng ta phần lớn đến từ những suy nghĩ bên trong, từ trải nghiệm, tác động của bối cảnh, môi trường sống hoặc các mối quan hệ xung quanh ta.

Tại sao không gian sống bền vững vẫn chưa được phổ biến tại Việt Nam? Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Một trong số đó là bối cảnh, vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên đã rất ưu đãi cho người dân Việt Nam, dọc từ Bắc đến Nam. Điều này dẫn đến các vật liệu như cát, đá, gỗ, nước ngầm phục vụ trong xây dựng,.. đâu đó vẫn bị khai thác mất kiểm soát, hậu quả là gây sụt lún, mất đất, lũ quét, sạt lở…. Cùng với đó là tâm lý chủ quan, ỷ lại, nghĩ rằng thiên nhiên vẫn luôn trù phú, vẫn tái tạo lại được mà không cần gìn giữ, bảo vệ. Suy nghĩ đó đã ảnh hưởng đến chúng ta trong mọi hành động từ khai thác chưa có kiểm soát, sản xuất xả thải ra sông, hồ, cho đến việc thiết kế, thi công và lựa chọn vật liệu cho không gian sống.

Lấy ví dụ như vấn đề bê tông hóa đang bóp nghẹt thành phố Đà Lạt. Giới KTS nhận định quy hoạch Đà Lạt đang có nhiều điểm bất hợp lý, đánh mất bản sắc “đô thị ẩn trong thiên nhiên” hiếm có, các khoảng xanh bị thu hẹp dần, nhà ống bê tông san sát đã làm mất địa hình dốc độc đáo của Đà Lạt. Hậu quả xảy ra đều xuất phát từ suy nghĩ, sống bền vững hay không cũng xuất phát từ suy nghĩ, nhận thức.

Khu vực lõi trung tâm Đà Lạt còn sót lại rất ít mảng xanh (Ảnh: Internet)

Chúng ta xây dựng những khối bê tông kiên cố để ngăn cách khỏi nắng, mưa, gió bão, nhưng vô tình khiến con người mất kết nối với thiên nhiên, đồng nghĩa mất đi lối sống bền vững. Chúng ta chưa có lý do đủ lớn để bảo vệ thiên nhiên, dẫn đến chưa hiểu thiên nhiên tác động đến chúng ta như thế nào. Lý do xây dựng những khối bê tông được đưa ra là để con người an toàn trước thiên tai, nhưng chính bê tông lại là nguồn phát thải carbon dioxide lớn thứ 3 trên thế giới, góp phần làm nhiệt độ Trái Đất tăng, gây biến đổi khí hậu. Chính điều đó lại làm thiên tai xảy ra thường xuyên hơn và tàn khốc hơn. Vậy nó có còn đúng với những gì chúng ta nghĩ trước đây?

Con người, động thực vật, nguồn nước,… Tất cả đều là một mắt xích trong hệ sinh thái trên Trái Đất, chúng liên hệ chặt chẽ với nhau. Nghĩa là khi một mắt xích bị tác động thì tất cả cũng sẽ bị tác động theo một cách nào đó, trực tiếp hay gián tiếp, ngay hiện tại hoặc là đời con cháu. Vậy nếu duy trì những suy nghĩ đó thì điều gì sẽ xảy ra? Liệu lối sống bền vững có còn là một sự lựa chọn có thể thay thế hay không?

Bền vững từ khâu Khai thác – Sản xuất – Thi công – Vận hành

Tại Việt Nam không gian sống bền vững chưa có nhiều, mà bền vững đúng nghĩa lại càng ít hơn. Vì để có một công trình bền vững, cần một suy nghĩ bền vững, một thiết kế bền vững và một chuỗi giá trị đằng sau đó cũng phải bền vững, từ khâu khai thác – sản xuất – thi công – vận hành. Các vật liệu của công trình được khai thác và sản xuất như thế nào? Trong quá trình có xả thải ra sông hồ hay không? Có khai thác trái phép tài nguyên hay không? Đời sống công nhân có được chăm lo đúng mức? Công nghệ sản xuất có lỗi thời và gây ô nhiễm? Vật liệu có độc hại, trong quá trình sử dụng có phát thải ra ngoài môi trường hay không? Quá trình thiết kế và thi công có tính tới yếu tố bền vững, lượng CO2 phát thải hay không? Chúng gợi mở cho chúng ta hiểu rõ một công trình bền vững là như thế nào. Và nếu liên hệ với bối cảnh tại Việt Nam thì dường như chúng ta còn thiếu các công trình bền vững đúng nghĩa.

BREEAM và LEED là hai trong số các chứng nhận hàng đầu về công trình xanh và cả hai đều tuyên bố là chứng nhận được sử dụng nhiều nhất trên thế giới:

  • BREEAM (Building Research Establishment Environmental Assessment Method) được thành lập bởi viện nghiên cứu Vương quốc Anh về Công trình xây dựng vào năm 1990
  • LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) ra đời năm 1993 và được quản lý bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ

Nhưng liệu 2 chứng nhận này đã đánh giá đúng và đủ về công trình bền vững? Mới đây, KTS Andrew Waugh – một thành viên của Hiệp hội Kiến trúc sư Vương quốc Anh, đã chỉ ra sự thiếu sót. Ông cho rằng các chứng chỉ như BREEAM và LEED chỉ tập trung hoàn toàn vào lượng khí thải trong quá trình vận hành tòa nhà, mà quên đi lượng khí thải trong quá trình xây dựng, ví dụ như từ các chuỗi cung ứng vật liệu và từ quá trình thi công ở công trường. Chúng đã chiếm khoảng 1/2 tổng lượng khí thải từ các công trình. (Hiện nay 2 chứng chỉ đang cập nhật, bổ sung các tiêu chí mới).

Công trình xanh hay không gian sống bền vững thì không thể không nhắc đến khái niệm Carbon-neutral và Net-zero, điều đã được đề cập nhiều trong mục tiêu chung của Hội Nghị COP 26 về biến đổi khí hậu:

  • Net-zero là không phát thải thêm bất kỳ lượng CO2 nào vào khí quyển. Carbon-neutral là vẫn phát thải một lượng CO2 nhất định và khử được một lượng tương đương trong khí quyển.
  • Net-zero xem xét đến cả lượng phát thải được tạo ra bởi toàn bộ chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của một sản phẩm, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ngược lại, Carbon-neutral chỉ giảm phát thải từ khâu sản xuất sản phẩm và sử dụng nguồn nhiên liệu sạch.

Ở Việt Nam, chúng ta chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị khai thác, sản xuất, vận chuyển, thiết kế, thi công và quan trọng nhất là khách hàng, những người trực tiếp sử dụng. Mọi thứ cần bắt đầu từ nhận thức của mỗi người.

Tôn trọng bối cảnh xung quanh công trình

Công trình bền vững không chỉ thể hiện bên trong nó, mà còn là sự tương tác, phù hợp với cảnh quan xung quanh, bối cảnh kinh tế – xã hội. Như KTS người Nhật Bản Kengo Kuma đã chia sẻ trong bài phỏng vấn với Louisiana Channel – kênh truyền thông của Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Đan Mạch: “Chúng ta không cần thêm những “biểu tượng bê tông” như SVĐ Quốc gia do KTS Kenzo Tange thiết kế. Tôi công nhận đó đúng là một công trình ấn tượng. Nhưng thời đại của chúng ta, ngoài thẩm mỹ, kinh tế, công năng, còn là vấn đề về phát thải, tiết kiệm năng lượng,… nên ở công trình SVĐ phục vụ Olympic 2020 lần này, tôi đã lựa chọn những vật liệu tự nhiên với ý tưởng chính là những mái hiên, tạo ra bóng đổ như ta đang ngồi dưới những tán cây. SVĐ nằm ở Meiji Jingu Gaien, khu rừng lớn nhất ở Tokyo với những đường chạy bộ xuyên khu rừng và kết nối đến với SVĐ”.

Sân vận động quốc gia Nhật Bản do KTS Kengo Kuma thiết kế (Nguồn: Archdaily)

KTS người Thụy Sĩ Mario Botta –  người từng làm việc với KTS Le Corbusier, Louis Kahn và Carlo Scarpa trong một khoảng thời gian, đã chia sẻ về quá trình thiết kế Ngôi nhà Casa Rotonda của ông: “ Đầu tiên, đó là bối cảnh. Bối cảnh thúc đẩy thiết kế của tôi chứ không phải là bản năng, công năng đơn thuần. Bối cảnh là một phần quan trọng của mỗi dự án. Bối cảnh đã có hầu hết các manh mối cho KTS. Tất cả các ngôi nhà của tôi đều khác nhau bởi vì bối cảnh thiết kế khác nhau. Vì vậy, ý tôi muốn nói: “Ngôi nhà như một công cụ tiềm năng để thể hiện vẻ đẹp của bối cảnh”. Một công trình nổi bật vì nó có điều gì đó nói lên được bối cảnh xung quanh. Tôi luôn đi tìm kiếm những cuộc đối thoại như vậy. Khi tôi bắt đầu thiết kế Casa Rotonda, nó không phải là những đường cong. Đó là một hình vuông với các lát cắt để đưa ánh sáng từ trên cao xuống. Lý do chuyển từ vuông sang tròn là vì bối cảnh xung quanh. Tôi muốn tránh sự đối đầu gay gắt giữa ngôi nhà với các công trình lân cận, sử dụng những vật liệu rất cơ bản và nó cũng khá khiêm nhường, chi phí thì tương đồng với các công trình xung quanh”.

Quan tâm đến bối cảnh còn là việc tận dụng vật liệu bản địa, sử dụng công nhân và kỹ thuật xây dựng địa phương. Vừa có giá trị giữ gìn bản sắc, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Tại những vùng quê Việt Nam thì tỉ lệ bê tông hoá ngày càng cao, các khối hộp cũng mọc lên ngày càng nhiều, mất kiểm soát, trong khi có rất nhiều vật liệu bản địa (tre, nứa, đá, gỗ, gạch nung,…) bền, chắc, giá thành hợp lý thì dần bị quên lãng. Chúng ta nói đó là bộ mặt nông thôn mới, nhưng liệu đó chỉ là những thay đổi ngắn hạn bên ngoài? Liệu bê tông hóa đã thay đổi được gốc rễ vấn đề nông thôn mới? Hay nó phải bắt nguồn từ những nhận thức đúng đắn về thiên nhiên?

Sử dụng năng lượng hiệu quả trong công trình  

Ngoài cây xanh, mặt nước thì vấn đề sử dụng năng lượng hiệu quả cũng rất quan trọng trong các không gian sống bền vững.

Đây là điều mà nhiều công trình tại Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều. Các nguồn nhiên liệu hóa thạch tại Việt Nam như than đá, dầu mỏ, tài nguyên thiên nhiên vẫn chiếm ưu thế so với các nguồn năng lượng tái tạo. Lượng phát thải còn đến từ các vật liệu trong quá trình sử dụng, đặc biệt là khi chúng không có nguồn gốc tự nhiên, lạm dụng bê tông mà quên đi cây xanh, mặt nước, đất, nước,…

Công trình được ví như những “đứa trẻ”, như những “thực thể sống”. Chúng có khả năng tự thở và tương tác với môi trường tự nhiên. Nhưng con người lại ngăn cách nó với môi trường tự nhiên, làm kín cổng cao tường, hàn khung sắt và tận dụng hết diện tích xây dựng, dẫn đến “đứa trẻ” đó yếu ớt, có hệ miễn dịch kém và các thành viên sống bên trong chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Việc sử dụng vật liệu nhân tạo, thiếu thông gió, ánh sáng tự nhiên, cây xanh và mặt nước, đối với con người thì ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, đối với công trình thì làm tăng lượng phát thải,  nguồn năng lượng tiêu thụ vì các thiết bị điện phải hoạt động hết công suất, nhất là vào những ngày nắng nóng. 

Ở nước ta, pin năng lượng mặt trời, các thiết bị tiết kiệm điện, nước, hệ thống xử lý nước thải, nước mưa, thiết bị ủ phân từ rác thải vẫn chưa thực sự phổ biến. Chúng ta đã nhìn rõ tác động trong ngắn hạn và dài hạn từ chúng hay chưa?

Với mục tiêu kiến tạo những không gian sống tối ưu và hướng đến tính bền vững, Công ty LIXIL Việt Nam, dưới sự bảo trợ của Hội KTS Việt Nam và kết hợp với Kienviet Media đã tổ chức chuỗi hoạt động Architecture Leader Perspective (ALP) 2021 – 2022 lấy chủ đề “Tương lai không gian sống Việt Nam”. Đây là chuỗi hoạt động kết nối được khởi xướng từ năm 2016 và đã nhận được nhiều sự quan tâm trong cộng đồng kiến trúc. 

Ông Nguyễn Tristan Chinh – Giám đốc Điều hành Kinh doanh Toàn quốc, Công ty LIXIL Việt Nam – thương hiệu GROHE cho biết: “ALP 2021 – 2022 hướng đến một chương trình có quy mô và thông điệp xuyên suốt là tối ưu không gian sống cho người Việt. Thông qua một nền tảng kết nối các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà nghiên cứu và quản lý trong ngành kiến trúc, xây dựng, chương trình tìm kiếm những giải pháp thiết thực về mặt kiến trúc, nội thất, cảnh quan, công nghệ… để giải quyết hiệu quả những vấn đề cấp thiết trong thực trạng không gian sống tại Việt Nam”.

“Thiết kế bền vững” hay “Xây dựng bền vững” đã có tác động mạnh mẽ tới ngành kiến trúc, xây dựng toàn cầu. Không ít ví dụ thực tiễn cho thấy kiến tạo không gian sống bền vững đang trở thành mục tiêu lớn của các quốc gia trên thế giới. Mới đây, một công trình tại Bangladesh đã lọt vào danh sách rút gọn của giải thưởng công trình quốc tế 2021 do RIRA (Viện KTS Hoàng Gia Anh) công bố. Đó là một trung tâm cộng đồng nằm tại một vùng đất trũng ở vùng nông thôn Gaibandha, nơi người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Thường xuyên bị đe dọa bởi lũ lụt do bờ kè, đê điều xuống cấp. Dù nằm ở vùng trũng nhưng do kinh phí rất hạn chế nên việc nâng cao công trình lên trên mực nước lũ gần như là bất khả thi. Sau khi nghiên cứu và đánh giá, các KTS cho rằng ngoài lũ lụt thì vùng đất này còn chịu ảnh hưởng của động đất và khả năng chịu tải của đất phù sa không được tốt. Phương án cuối cùng là đào bờ bao xung quanh để chống lũ lụt và không nâng cao độ công trình. Nước mưa được thu thập trong các bể chứa và phần dư thừa được bơm đến một ao nước phục vụ cho ngư nghiệp. Thiết kế dựa vào hệ thống thông gió tự nhiên với hệ thống các sân trong và lớp đất phủ trên mái nhà. Một mạng lưới các bể tự hoại và giếng nhằm đảm bảo nước thải không trộn lẫn với nước lũ và có thể tái sử dụng. Không có máy điều hòa không khí và toàn bộ hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn LED và đèn tiết kiệm năng lượng.

Sống bền vững và mối quan hệ giữa Con người - Thiên nhiên - Bền vững
Trung tâm cộng đồng ở Bangladesh lọt vào danh sách rút gọn của giải thưởng công trình quốc tế 2021 của RIRA (Nguồn: Dezeen)

Khu phức hợp nổi lên và tồn tại như tiếng vọng của tàn tích, sống động với ký ức về những gì còn lại của Mahasthan (di tích từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên), cách đó khoảng 60 km. Được xây dựng và hoàn thiện chủ yếu bằng một vật liệu gạch thủ công của địa phương, không gian vòng cung đan xen giữa các không gian, sân trong, hồ bơi và cây xanh, hành lang, ánh sáng và bóng tối; tạo cho người dân địa phương cảm giác gần gũi, như đang ở một tu viện.

Kết lại, sống bền vững là một quá trình thay đổi lâu dài và bắt đầu với việc có nhận thức đúng và đủ về nó. Khi chúng ta kết nối lại với thiên nhiên và biết tại sao cần phải bảo vệ thiên nhiên và những mắt xích trong hệ sinh thái thì sau đó mọi chuyện sẽ diễn ra thuận theo quy luật của tự nhiên. 

——————-

Về LIXIL

LIXIL tạo ra các sản phẩm về công nghệ nước và nhà ở tiên phong, giải quyết các thách thức hàng ngày, hiện thực hóa giấc mơ về một ngôi nhà hoàn thiện hơn cho mọi người, ở mọi nơi. Thừa kế di sản Nhật Bản, LIXIL tạo ra công nghệ hàng đầu thế giới và đổi mới để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao giúp biến đổi ngôi nhà. Nhưng sự khác biệt của LIXIL là cách thực hiện điều này; thông qua thiết kế có ý nghĩa, tinh thần doanh chủ, cống hiến để cải thiện khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người và tăng trưởng kinh doanh có trách nhiệm. 

Tại Việt Nam, LIXIL hiện diện với 4 thương hiệu GROHE, INAX, American Standard và Tostem với 11 nhà máy, hơn 3,300 nhân viên và hơn 8,000 hệ thống cửa hàng trên toàn quốc.

———————-

Về GROHE

GROHE là thương hiệu dẫn đầu toàn cầu về các giải pháp hoàn thiện phòng tắm và bếp. Để mang đến trải nghiệm “Pure Freude an Wasser” – Tận hưởng sự tinh khiết của dòng nước, mọi sản phẩm GROHE đều được phát triển dựa trên bốn giá trị cốt lõi: chất lượng, công nghệ, thiết kế và phát triển bền vững.

GROHE đảm nhận trách nhiệm xã hội một cách nghiêm túc và tập trung vào chuỗi giá trị tiết kiệm tài nguyên. Từ tháng 4/2020, lĩnh vực sản xuất trên toàn thế giới của GROHE đã đạt mức CO2 trung tính. GROHE cũng đặt mục tiêu sử dụng bao bì sản phẩm không chứa nhựa từ năm 2021.

GROHE là công ty đầu tiên trong ngành nhận được giải thưởng trách nhiệm cộng đồng – CSR của chính phủ Liên Bang Đức và Giải phát triển bền vững của Đức năm 2021 trong các hạng mục “Tài nguyên” và “Thiết kế”. Là một thương hiệu trong danh sách “Top 50 công ty tiên phong về bền vững và khí hậu”, GROHE cũng thực hiện rất nhiều hoạt động thúc đẩy sự phát triển bền vững.

——————–

Architecture Leader Perspective (ALP) được khởi xướng và tổ chức từ năm 2016 bởi LIXIL Việt Nam, dưới sự bảo trợ chuyên môn của Hội KTS Việt Nam, được bảo trợ bởi Hội KTS TP.HCM; Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA); Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam; UBND quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Chương trình do Kienviet Media thực hiện. Thông qua các hoạt động kết nối, tương tác, nghiên cứu chuyên sâu, ALP 2021 – 2022 kiến tạo một nền tảng chung để các công ty kiến trúc, kiến trúc sư, chủ đầu tư, chuyên gia trong ngành Kiến trúc – Xây dựng cùng hợp tác đem tới giải pháp, đề xuất giải quyết các vấn đề trong thực tiễn môi trường xây dựng tại Việt Nam, hướng đến tương lai không gian sống tối ưu cho người Việt.

Xem thêm chi tiết chương trình tại: http://alplixil.com/

Tin tức liên quan

Tin tức mới