Ông Nguyễn Đỗ Dũng: “Trẻ hóa đô thị là tái sinh và mang lại sức trẻ giúp đô thị gánh vác áp lực trong quá trình phát triển”
Một đô thị đáng sống không chỉ đáp ứng nhu cầu công năng, giá trị thẩm mỹ mà còn là một đô thị bền vững, thông minh, linh hoạt thích ứng với những thách thức của môi trường tự nhiên và xã hội, đồng thời lưu giữ và bảo tồn được những giá trị truyền thống, nét văn hóa, tinh thần đặc trưng của từng địa phương. Xoay quanh chủ đề này, chuyên gia quy hoạch đô thị Nguyễn Đỗ Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế enCity đã có chia sẻ về những định hướng “Trẻ hóa đô thị” - giải pháp góp phần tạo dựng những đô thị chất lượng, mang lại những giá trị sống thiết thực cho cộng đồng và hướng đến mục tiêu kiến tạo “Tương lai không gian sống Việt Nam”.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế enCity
Trong Hội thảo “Đổi mới đô thị: Những ý tưởng đầu tiên” của Chương trình ALP 2023 - 2024, ông đã có bài trình bày về chủ đề “Tái sinh đô thị bền vững”. Theo quan điểm của ông, đâu là những yếu tố góp phần kiến tạo nên một đô thị đáng sống và bền vững?
Một đô thị đáng sống là một đô thị nhận thấy và đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của con người. Những nhu cầu có thể kể đến như: nhu cầu về sự an toàn; nhu cầu tiếp cận được các dịch vụ giáo dục, y tế, việc làm; nhu cầu có được môi trường sống lành mạnh, không bị ô nhiễm, có hệ thống hạ tầng giao thông tốt; nhu cầu về văn hóa - tinh thần. Theo một khảo sát về chủ đề những đô thị đáng sống trên khắp thế giới hàng năm của Tạp chí kinh tế The Economist, những nhu cầu tôi vừa nhắc đến đều là những nhu cầu hết sức cơ bản của con người khi sống trong đô thị.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng thuyết trình về chủ đề “Tái sinh đô thị bền vững” tạiHội thảo “Đổi mới đô thị - Những ý tưởng đầu tiên”
Còn nhắc đến khía cạnh bền vững là nhắc đến một thành phố, một đô thị có thể sẵn sàng đối mặt với những biến cố, những thách thức của môi trường tự nhiên và xã hội như thiên tai, biến động kinh tế, chiến tranh. Đợt dịch Covid kéo dài vừa qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi phương diện của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Khi nền kinh tế ngưng trệ, an sinh xã hội bị đảo lộn khiến chúng ta phải suy ngẫm về giá trị sống bền vững. Những biến cố như vậy thử thách khả năng thích ứng và tính bền vững của một thành phố, một đô thị trước những thách thức khó lường.
Hiện nay, phát triển bền vững khi được nhắc đến thường gắn liền với phát triển xanh, những công trình xanh, kiến trúc xanh, vật liệu xanh, thực chất chính là đề cập đến sự bền vững trước những tác động từ biến đổi khí hậu. Đo lường tính bền vững của một đô thị cần dựa trên khả năng sẵn sàng đối phó với thiên tai, nắng mưa thất thường, tránh được những hậu quả nghiêm trọng do thiên tai gây ra, từ đó sẽ tạo dựng được một đô thị đáng sống và bền vững.
Ông nhìn nhận như thế nào về tầm quan trọng của “trẻ hóa đô thị” trong việc mang đến không gian sống chất lượng và bền vững cho người Việt?
Ở Việt Nam, sự đổi thay của đô thị, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng là những câu chuyện mang tính thời sự. Hạ tầng quá tải, những khu đô thị được thiết kế, quy hoạch từ nhiều năm trước nay phải gánh trên vai áp lực về quy mô dân số gấp nhiều lần so với trước đây. Sài Gòn được quy hoạch cho quy mô khoảng 500.000 dân nhưng hiện nay quy mô đã lên đến hàng triệu người.
Trẻ hóa đô thị là tái sinh, mang đến sức trẻ giúp những đô thị lâu đời để có thể gánh vác những áp lực mới trong quá trình phát triển. Các giải pháp có thể kể đến như: gia tăng năng lực hạ tầng; tìm giải pháp công năng và thẩm mỹ cho nhà ở trong khu vực trung tâm để thỏa mãn nhu cầu sống của người dân đô thị. Trẻ hóa cũng góp phần mang đến diện mạo mới, làm mới hình ảnh đô thị thông qua những giải pháp cải tạo cho những căn nhà cũ kỹ, có phần xập xệ, tân trang, sửa sang những tuyến đường…để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân.
Đề xuất của enCity nhằm “trẻ hóa” một khu vực dân cư nằm ở rìa thành phố Đà Lạt trong đó nhấn mạnh tới sự hài hòa giữa công trình mới và di sản đồng thời giữ các hướng nhìn về di sản như một nhà thờ trên đỉnh đồi và núi Liangbian. Nguồn: enCity
Khi diện mạo, hạ tầng được cải thiện, chất lượng được nâng cao, đô thị được trẻ hóa sẽ có khả năng thu hút nhà đầu tư, khách du lịch, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, một đô thị đáng sống cũng giúp thu hút và giữ chân nhân tàitừ khắp nơi trên thế giới, bên cạnh những yếu tố về công việc. Do đó, cần phải làm mới các đô thị để phù hợp với bối cảnh nền kinh tế mới.
Là một chuyên gia quốc tế về quy hoạch và thiết kế đô thị với nhiều năm kinh nghiệm trong việc lập và triển khai các đồ án phát triển cho các vùng đô thị quy mô lớn, ông đánh giá như thế nào về xu hướng "trẻ hóa đô thị" trên thế giới hiện nay?
Có rất nhiều xu hướng “trẻ hóa đô thị” trên thế giới hiện nay, trong đó có hai xu hướng nổi bật.
Thứ nhất là “trẻ hóa đô thị” gắn liền với khai thác, bảo tồn và tôn vinh giá trị di sản. Các đô thị được “trẻ hóa” vẫn phải đảm bảo tính đặc trưng, độc đáo và khác biệt để thu hút khách du lịch. Ở Singapore, chính sách đầu tư cải tạo luôn song hành với bảo tồn, giữ gìn những khu phố cổ, những công trình đặc trưng để thu hút du lịch, tạo tiền đề thúc đẩy nền kinh tế.
Thứ hai là xu hướng chuyển đổi công năng những khu công nghiệp cũ trong quá trình “trẻ hóa đô thị” nhằm mang lại diện mạo mới, sức hấp dẫn và độc đáo cho đô thị, lưu giữ hồn cốt công trình trong công năng mới.
Sự chuyển dịch của nền kinh tế khiến cho các công trình công nghiệp cũ không còn nhu cầu sử dụng, nhưng chất liệu của những công trình đó lại tạo nguồn cảm hứng cho những không gian công cộng, không gian sống mới. Nhiều thành phố đã khai thác yếu tố này rất tốt. Singapore cải tạo các khu nhà kho và khu cảng cũ thành những khu vực thương mại, cải tạo nhà máy điện đầu tiên St James thành một trụ sở văn phòng hiện đại, kết hợp lưu giữ và trưng bày di sản; Baltimore (Mỹ) chuyển đổi các cảng, xưởng đóng tàu cũ trong vịnh thành một trung tâm văn hóa mới làm thay đổi diện mạo kinh tế của thành phố.
Nhà máy điện St James được cải tạo thành trụ sở văn phòng hiện đại (Nguồn ảnh: stjamespowerstation.sg)
Ông nhận định như thế nào về chất lượng quy hoạch đô thị ở Việt Nam so với một số quốc gia trên thế giới?
Theo quan điểm của tôi, xuất phát điểm của quy hoạch Việt Nam gắn bó rất chặt chẽ và sâu sắc với kiến trúc, thẩm mỹ đô thị. Tuy nhiên, các đồ án quy hoạch hiện nay chưa có sự quan tâm nhiều đến những phương diện đó, có phần nặng về pháp lý sử dụng đất, ít quan tâm đến không gian cho con người.
Chỉnh trang và quy hoạch hiện tại ít quan tâm đến vấn đề cải tạo, bảo tồn, khai thác giá trị di sản để tạo điểm nhấn cho đô thị, chủ yếu theo hướng xây mới, xóa bỏ công trình cũ. Điều này làm mất đi cơ hội thay đổi đô thị theo hướng độc đáo, đặc trưng, mang bản sắc truyền thống văn hóa, đặc biệt khi áp dụng với những thành phố lâu đời, những không gian hiện hữu, không gian di sản.
Việt Nam có khó khăn và thuận lợi gì trong quá trình "trẻ hóa đô thị", thưa ông?
Dưới góc nhìn của một người làm quy hoạch, tôi nhận thấy hiện nay các quy chuẩn quy hoạch đang áp dụng chung cho cả nước và thường phù hợp với đô thị mới nhưng còn chưa xét đến đặc trưng của từng địa phương, từng điều kiện cụ thể của mỗi đô thị, các không gian đô thị mang tính lịch sử.
Ngoài ra để khuyến khích việc đầu tư nghiên cứu cho các khu vực đô thị lịch sử vốn rất phức tạp về pháp lý, các quyền lợi và hiện trạng hạ tầng, công thức tính phí tư vấn cần bổ sung hệ số cho các dự án như vậy thay vì chỉ dựa trên diện tích. Nghiên cứu quy hoạch cho một khu vực 10 ha ở quận Hoàn Kiếm thì có độ phức tạp lớn hơn rất nhiều nếu so với 10 ha ở một huyện ngoại thành vì giá trị đất đai, bề dày lịch sử, mức độ ảnh hưởng tới cả thành phố và thậm chí quốc gia
Cuối cùng, để mang lại sức sống mới cho một đô thị thì rất cần sự tham gia của cộng đồng trong đó có cả người dân và doanh nghiệp. Quá trình quy hoạch do đó cần có độ mở lớn hơn, có không gian để người dân và doanh nghiệp tham gia chủ động và công khai vào quy hoạch. như thế bản quy hoạch vừa có tính khả thi cao, vừa là một phương thức tạo ra sự đồng thuận xã hội trong phát triển.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng trong phần thảo luận tại Hội thảo “Đổi mới đô thị - Những ý tưởng đầu tiên”
Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm và giải pháp nào từ những quốc gia đã và đang thực hiện "trẻ hóa đô thị"?
Việc trao quyền nhiều hơn cho lãnh đạo địa phương trong các quyết định về quy hoạch là kinh nghiệm có thể học hỏi từ một số quốc gia trên thế giới. Vì đối với những đô thị hiện hữu, việc áp dụng theo quy chuẩn chung rất khó, có những không gian đô thị không thể cơi nới hay mở rộng được nữa thì sẽ xử lý ra sao, những trường hợp đặc cách, những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế địa phương thì để lãnh đạo địa phương quyết định sẽ hợp lý hơn.
Tòa nhà South Beach Tower tại Singapore tích hợp một số công trình di sản vào trong một quần thể hiện đại. Ảnh: Nigel Young
Ngoài ra một số quốc gia trao quyền nhiều hơn cho cộng đồng trình bày ý kiến, quan điểm và mong muốn, chủ động đề xuất định hướng hay giải pháp cải tạo đô thị. Có những công trình không có giá trị lớn về mặt kiến trúc, lịch sử, di sản nhưng đối với cộng đồng thì đó lại là những nơi chốn mang giá trị kỷ niệm. Giá trị của một công trình đôi khi không nhất thiết là phải theo con mắt đánh giá của chuyên gia mà cần dựa theo trải nghiệm về sự gắn kết của người dân. Trong quy hoạch hệ thống di sản cho toàn đảo quốc Singapore do enCity thực hiện, chúng tôi mở rộng khái niệm di sản đô thị để bao gồm những công trình không có lâu đời về tuổi thọ nhưng lại có ý nghĩa lớn với vai trò là một dấu mốc lịch sử hay biểu tượng của một cộng đồng hay thành phố. Chúng tôi cũng xây dựng công cụ đánh giá và bảo tồn di sản cho cơ quan quy hoạch Singapore (URA) để mở rộng các cách tiếp cận trong bảo tồn di sản từ việc giữ nguyên vẹn công trình và không gian xung quanh tới mức độ cho phép tích hợp vào các công trình mới và chỉ cần giữ lại một phần của công trình để di sản vừa hiện hữu ở nhiều nơi nhưng cũng không là trở ngại cho công cuộc trẻ hóa, hiện đại hóa đô thị.
Xin chân thành cảm ơn ông về những chia sẻ!
Tin tức liên quan
Hướng đến sự cân bằng bền vững cho tương lai không gian sống Việt Nam
30/08/2022
2 năm trước
Giải pháp cải thiện đời sống tinh thần qua kiến trúc ZU - Không gian số 0
26/09/2022
1 năm trước
Đề xuất giải pháp cho không gian công cộng đa năng và linh hoạt, nâng cao chất lượng sống của cư dân trong nhà ở cao tầng
30/08/2022
2 năm trước
Thành công của chuỗi sự kiện hội thảo và triển lãm ALP 2021 - 2022 gợi mở nhiều góc nhìn về tương lai không gian sống Việt Nam
30/08/2022
2 năm trước
Kiến trúc góp phần kiến tạo tương lai không gian sống Việt Nam
22/07/2022
2 năm trước
Hội thảo ALP 2021 - 2022: “Tương lai không gian sống Việt Nam - Những tiếp cận kiến trúc đầu tiên”
22/07/2022
2 năm trước
Đề xuất tái thiết lập tại chỗ khu dân cư cũ trong đô thị: Hướng tới phát triển sinh kế và gắn kết cộng đồng
26/09/2022
1 năm trước
Triển lãm ALP Pavilion 2021 - 2022 truyền tải thông điệp "giấc mơ" về đô thị tương lai
22/07/2022
2 năm trước
Tin tức mới
Những ý tưởng đầu tiên cho bài toán “Trẻ hóa đô thị”
17/11/2023
9 tháng trước
Ông Uchidate Katsuaki: Cần có những giải pháp chuyên môn toàn diện để giải quyết bài toán “Trẻ hóa đô thị”
09/11/2023
10 tháng trước
ALP 2023 - 2024: Hội thảo “Đổi mới đô thị - Những ý tưởng đầu tiên”
27/10/2023
10 tháng trước
LIXIL Việt Nam công bố Chương trình ALP 2023 - 2024: “Tương lai không gian sống Việt Nam” với chủ đề Trẻ hóa đô thị
10/10/2023
11 tháng trước
Nhìn lại hành trình đi tìm giải pháp cho không gian sống chất lượng của Architecture Leader Perspective (ALP) 2021 - 2022
03/10/2023
11 tháng trước
Kiến trúc Việt trước bối cảnh “Toàn cầu hoá - Bản địa hóa”
02/10/2023
11 tháng trước
Kiến trúc sư và những câu chuyện trái ngành
02/10/2023
11 tháng trước
Thủ khoa ngành Kiến trúc và những sự thật sau khi ra trường
21/08/2023
1 năm trước