X-Hub HN 038.365.1994
X-Hub HCM 0911.345.665

Kiến trúc sư và những câu chuyện trái ngành

Kiến trúc sư và những câu chuyện trái ngành

Kiến trúc sư và những câu chuyện trái ngành


Đây là chủ đề Podcast số 4 của ALP Mini-talk: The Un-Gap | Không khoảng cách. Với một ngành nghề lâu đời và mang tính đặc thù như Kiến trúc, việc làm trái ngành, nghĩa là người xuất thân trường lớp lại không theo nghề và ngược lại, sẽ đem đến những câu chuyện và góc nhìn như thế nào? Với hai khách mời là Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương và Giám đốc Sáng tạo Dzung Yoko, chúng ta sẽ cùng khám phá chủ đề này. 

Xuất thân hoạ sĩ, Nguyễn Hoài Hương đã bén duyên với ngành Kiến trúc - Thiết kế Nội thất và đứng sau nhiều công trình tại khu thương mại Bờ Hồ, Hà Nội, các nhà hàng trên đường Đồng Khởi, hệ thống du thuyền Paradise trên Vịnh Hạ Long,... Còn Giám đốc Sáng tạo Dzung Yoko, người từng tốt nghiệp Thủ khoa Đại học Kiến trúc TP.HCM, lại đang thành công ở lĩnh vực Nhiếp ảnh. Anh cũng chính là Giám đốc Sáng tạo của các tạp chí thời trang nổi tiếng như ELLE VN, L'Officiel VN.

Hai khách mời nghĩ sao về hiện tượng "làm trái ngành" đối với ngành Kiến trúc - Thiết kế? 

Họa sĩ Hoài Hương: Xuất thân từ mỹ thuật, là môi trường đào tạo về thị hiếu thẩm mỹ, về sử dụng thị giác trong sáng tạo, nên khi tôi kết hợp vốn thẩm mỹ với ngôn ngữ Kiến trúc để sáng tạo thì nó sẽ ra một sản phẩm mềm mại hơn, gần với cuộc sống hơn. Đặc biệt trong ngành này, mình phải có vốn sống, đặc biệt là vốn văn hóa, đồng thời là vốn hiểu biết về đối tượng mà mình đang thiết kế không gian sống cho họ. Thế thì tất cả những yếu tố đó sẽ giúp mình tổ chức các không gian sao cho dung hòa nhất, tạo ra một không gian mà chính họ là chủ nhân và chính họ yêu mến nó, chứ không phải là không gian của mình. Ngoài ra, nghề này cũng rất cần sự nhạy bén, đặc biệt là sự nhạy bén trong các vấn đề xã hội. 

KTS. Giám đốc sáng tạo Dzung Yoko: Theo mình nghĩ, điều quan trọng nhất chính là cái “cảm” về nghệ thuật, tại vì Kiến trúc hay Hội họa rất gần với nhau, hoặc Thời trang, Thiết kế, Nhiếp ảnh,… Đấy đều là các ngành về thị giác. Cái “cảm” về nghệ thuật, mỹ thuật nó mới ảnh hưởng chính đến sản phẩm sáng tạo. Yếu tố quan trọng nhất để làm được ngành này là yếu tố về thẩm mỹ, chứ không phải kỹ thuật hay con số, phải từ gốc mỹ thuật mà ra. Nếu mình không có những cái “cảm” mà vẫn làm ngành thì cuối cùng tác phẩm sẽ cực kỳ khô khan. 


Việc làm trái ngành đã tạo cho hai anh những ưu thế, bất lợi ra sao?


Họa sĩ Hoài Hương: Không có con đường nào bằng phẳng cả. Nhưng mình không hề thấy mặc cảm với việc làm “trái ngành”. Có một khoảng thời gian khi mình đang chuẩn bị làm bài tốt nghiệp hội họa ở trường Mỹ thuật, mình tham gia vào một công việc liên quan đến Kiến trúc cho một công ty hội chợ, công việc đó khiến mình cảm thấy như một người không biết bơi bơi lội giữa một bể lớn, rất vật vã, rất khó khăn, nhưng sau này mình mới thấy đó chính là những bước đệm, là bậc thang để mình bước vào nghề Kiến trúc. Khi bắt đầu với Kiến trúc, mình rất cám ơn những năm tháng ở trường Mỹ thuật đã tạo cho mình cảm giác với nghệ thuật, đến bây giờ mình cũng rất cám ơn những thời gian khi mình mày mò với Kiến trúc, nó cho mình cảm giác mạnh về cấu trúc, giúp mình thực hiện những cấu trúc đó trong tranh vẽ mà không tốn quá nhiều sự mô tả. Cái bất lợi nếu có chắc là đôi khi mình quá yêu điều gì thì mình sẽ thiên vị điều đó và nó sẽ dẫn đến việc mình sai ngôn ngữ. Kiến trúc mà, 50% là kỹ thuật và 50 %  là nghệ thuật.


KTS. Giám đốc Sáng tạo Dzung Yoko: 

Có một điều rất hay là các ngành về thị giác rất liên quan đến nhau nên khi mình chuyển tiếp qua thì mình có thể dùng các kiến thức mà mình đã có được từ môi trường Kiến trúc, Mỹ thuật nhưng theo một hướng khác hơn. Đôi khi một người học đúng ngành họ sẽ không dám làm như mình đâu, vì họ sẽ thường có cảm giác cần phải bài bản mới đúng, còn mình thì mình sẽ làm theo cảm tính. Đôi khi nó sẽ ra một sản phẩm lạ hơn, mang dấu ấn của mình nhiều hơn. Tuy nhiên khi làm trái ngành thì cũng có một điều đáng lo nếu kiến thức của mình không chắc, mình làm nhưng không hiểu những gì mình làm thì sẽ rất là nguy hiểm. Vì thế kiến thức nền tảng trong ngành là rất quan trọng. Ví dụ như khi mình làm liên quan đến nghệ thuật, thị giác thì mình cần có nền tảng vững vàng về kiến thức, về thẩm mỹ. 


Trong ngành Kiến Trúc thì “năng khiếu” có phải một yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại hay không? 


KTS. Giám đốc Sáng tạo Dzung Yoko: Mình nghĩ là những ngành về nghệ thuật thì rất cần năng khiếu. Năng khiếu có đóng góp rất lớn. Đối với ngành Kiến trúc dù nó là đóng góp giữa kỹ thuật và nghệ thuật thì thành phẩm cuối cùng cũng là nghệ thuật. Ví dụ như cùng một công thức để xây bảo tàng, nhưng tùy theo những yếu tố xung quanh mà mình sẽ thiết kế nó khác nhau, chứ nó không thể chỉ theo một công thức lặp lại. Vì thế, năng khiếu cũng là một trong những yếu tố quyết định việc chúng ta có nên dấn thân vào nghề này hay không. Mỗi người sẽ có năng khiếu về một lĩnh vực nào đó. Chỉ cần biết được năng khiếu của mình ở đâu thì mình sẽ đến đích rất nhanh.

Họa sĩ Hoài Hương: Năng khiếu là yếu tố cốt lõi. Nếu không có năng khiếu thì chúng ta vẫn có thể đạt được mục đích mình đặt ra về Thiết kế, Thời trang, về Nghệ thuật,...nhưng nếu muốn tạo ra sự tinh hoa thì chúng ta vẫn phải kết hợp nhiều thứ, là sự kết hợp giữa “công thức” và “trái tim”. Nhưng trong giới hạn nào đó, nếu không có năng khiếu trời ban thì chắc chắn bạn sẽ vẫn đến đích, chỉ là chậm hơn. 

Làm sao để kiểm tra được các bạn có phù hợp với ngành Kiến trúc để quyết định có nên tiếp tục theo đuổi nghề?


Họa sĩ Hoài Hương: Đầu tiên là sự thất bại, nếu mình thấy rằng mình đã thất bại và mình cũng không đủ tình yêu để vực dậy sự thất bại đấy thì không lý do gì mà bạn không chọn một cái khác mạnh hơn. Nhưng khi mình đang làm thì mình chưa biết, mình chưa đi đến đích mà. Tại sao mình chưa đến đích mà mình đã nghĩ rằng mình chọn không đúng? Đôi khi người ta chọn những việc thậm chí trái nghề hoàn toàn nhưng người ta vẫn thành công. Hãy bỏ hết nghị lực và tình yêu để mình đến đích, khi đến đích rồi mình có thất bại thì mình sẽ còn đủ thì giờ để chọn những việc khác, biết đâu khi tới đích rồi thì mình mới ngộ ra là “Ồ cái này là cái của mình mà”. Cái sự thất bại, cái chua xót đôi khi nó cho mình cái ngọt ngào. Thực sự nếu bạn yêu nó thì bạn thế nào bạn cũng sẽ về đến đích, và đến đích rồi thì bạn lại thêm động lực và tình yêu để đi tiếp nữa. 


KTS. Giám đốc Sáng tạo Dzung Yoko: 

Mình nghĩ là sự thất bại trong những lĩnh vực, công việc mình làm, nó cũng sẽ là bàn đạp cho mình biết rằng mình có đi tiếp, đi lui hay đi như thế nào. Trong khoản sáng tạo, bạn tìm người khách hàng mà ngang tầm với năng lực và sự cố gắng của bạn thì nó cũng là một cách để cho mình tồn tại trong nghề. Chứ đâu phải nhất thiết ai cũng phải làm những thứ như thiên tài, có thể bạn sẽ làm những cái mà vừa với khả năng, vừa với những gì bạn được học hỏi, được biết thì nó cũng rất tốt mà. Chưa gì bạn đã bỏ nghề hay bỏ ngang thì chưa chắc bạn đã tìm được một công việc khác phù hợp hơn. 


Đâu là những bài học, nguyên tắc làm nghề mà hai khách mời muốn chia sẻ với các khán giả trẻ?


Họa sĩ Hoài Hương: Chúng ta luôn luôn phải cập nhật diễn biến của cuộc sống đương đại. Sự tức thời, giao tiếp hiện hữu có thể hoàn toàn khác với những cái ta đã biết, và sự giao tiếp hiện hữu đó có thể cấu trúc một xã hội hoàn toàn khác, nên đó là điều luôn luôn cần bổ túc bởi những cái mà ta đã có thì sẽ không đủ. Đặc biệt là hiện tại cái thách thức của công nghệ rất lớn. Công nghệ mới bây giờ nó thay thế nhiều thứ, vậy thì mình phải tìm ra được những gì mà cái công nghệ không thể thay thế được. Nếu các bạn yêu cái việc mình làm và làm cái việc mình yêu thì nó có cả hạnh phúc, cả niềm tin, cả sự hứng thú.


KTS. Giám đốc Sáng tạo Dzung Yoko: 

Mình cũng nghĩ là chuyện cập nhật rất quan trọng bởi vì con người mỗi lúc mỗi thay đổi và ngày càng nhanh. Nếu bạn không cập nhật, thì bạn sẽ theo nghề này khá là khó. Ngoài ra cái thách thức bây giờ chắc là sự cạnh tranh. Tức là thế giới có quá nhiều thứ để lựa chọn, sẽ khó hơn cho bạn để lựa chọn bạn thực sự thích cái gì, cái gì mới hợp với năng lực, sở trường của bạn và kết hợp với năng khiếu của bạn nữa. Và một cái nữa là, ngày hôm nay các bạn có thể sẽ phải từ bỏ cái tôi để chiều khách hàng rất là nhiều, đó cũng là một trở ngại cho các bạn để đến với cái đích mà bạn thực sự mong muốn. Mình nghĩ rằng các bạn trẻ bây giờ cũng rất là khó, nhiều khi cũng có sự chông chênh như vậy nhưng mình nghĩ là với sự đam mê, với việc thực sự lùi lại để suy nghĩ xem mình thực sự thích cái gì mà không phải chạy theo xu hướng hay thị hiếu số đông vì nghề đó hot, làm nghề đó mới ra tiền,... điều đó không quan trọng mà quan trọng là nghề mà mình làm mình cảm thấy xung, 


ALP Mini-talk Mùa 3: The Un-Gap | Không khoảng cách là chuỗi Podcast thảo luận chuyên đề dành cho cộng đồng Kiến trúc - Thiết kế tại Việt Nam. Podcast được phát triển từ chuỗi hoạt động của chương trình Architecture Leader Perspective do LIXIL Việt Nam sáng lập và tổ chức từ năm 2016, nhằm kết nối, tạo động lực và truyền cảm hứng để kiến tạo một cộng đồng Kiến trúc - Thiết kế gắn kết, cùng phát triển.





Tin tức liên quan

Tin tức mới