X-Hub HN 038.365.1994
X-Hub HCM 0911.345.665

Định kiến giới tồn tại thế nào trong ngành Kiến trúc - Thiết kế

Định kiến giới tồn tại thế nào trong ngành Kiến trúc - Thiết kế

Định kiến giới tồn tại thế nào trong ngành Kiến trúc - Thiết kế

Trở lại với mùa 3, ALP Mini-talk: The Un-Gap | Không khoảng cách - chuỗi thảo luận chuyên đề dành cho cộng đồng Kiến trúc - Thiết kế tại Việt Nam đã khoác lên mình bộ áo mới. 


Trong tập đầu tiên, chương trình đã mang đến những chia sẻ đa chiều giữa hai vị khách mời là hai nữ KTS có nhiều thành tựu tại Việt Nam: KTS. Naomi Thuỷ Nguyễn - CEO và nhà sáng lập của Công ty Tư vấn Thiết kế Nội thất Cao cấp YC (Your Choice - Your Concept) và KTS. Phạm Thị Ái Thủy - Nhà đồng sáng lập Công ty TA Landscape Architecture đồng thời là Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là nữ KTS tham gia thiết kế Cầu Vàng tại Sun World Ba Na Hills, Đà Nẵng.

Nhìn lại lịch sử, Kiến trúc vốn là ngành nghề do nam giới thống trị. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều gương mặt nữ KTS tiêu biểu đang dần đi lên và khẳng định chính mình.Trò chuyện cùng ALP Mini-talk (Mùa 3): The Un-Gap | Không khoảng cách, cả hai vị nữ KTS đã có những chia sẻ sâu sắc hơn về nghề cũng như câu chuyện cạnh tranh trong môi trường nam giới.

Hành trình của cả hai đã “thăng trầm” như thế nào đối với Kiến trúc?

KTS. Naomi Thuỷ Nguyễn: Thời mới tốt nghiệp Đại học, mình đi 20 cái văn phòng kiến trúc xin việc nhưng không ai nhận. Rồi mình mới đi làm trong nhà hàng, thời đó tất cả menu đều phải vẽ tay, mình đã vẽ từng cái menu đó. Sếp mình lúc đó là vợ của Giám đốc AAA mới phát hiện rồi giới thiệu mình vào AAA. Giám đốc phỏng vấn chỉ hỏi mình hai câu, thứ nhất “em có chấp nhận đi xa không” mình nói “em đồng ý”, thứ hai là “em có chấp nhận làm việc ngoài giờ không”, mình đồng ý. 4 tháng đầu tiên, mình toàn làm công việc photocopy và giao hàng. Cho đến một ngày, Giám đốc vô tình nghe mình nói chuyện điện thoại bằng tiếng Anh. Lúc đó, anh cần gặp một nhà thầu là người nước ngoài. Một bên là không biết tiếng Anh và một bên không biết tiếng Việt. Vậy là mình được tạo cơ hội làm việc. Từ đó là mình cứ “bơi” trong công việc ở AAA trong suốt 20 năm.

KTS. Phạm Thị Ái Thuỷ: Hành trình của mình đi qua có lẽ khá dễ dàng. Mình tốt nghiệp Đại học Kiến trúc và gặp ông xã mình ở đó. Sau khi ra trường, hai vợ chồng thành lập TA Landscape Architecture rồi cùng vừa xây dựng sự nghiệp, vừa vun vén gia đình. Năm 2004, thời điểm lên thiết kế Cầu Vàng, mình đang mang bầu 9 tháng. Khi đi công trình, chồng mình luôn sợ mình sẽ sinh ngay tại đó (cười).

“Định kiến giới” liệu có tồn tại trong môi trường Kiến trúc?

KTS. Naomi Thuỷ Nguyễn: Đối với mình, định kiến giới là một từ rất là hàn lâm. Chính mình thực sự chưa từng nghĩ nó sẽ tồn tại trong ngành sáng tạo. Nhưng định kiến xã hội thì hoàn toàn có. Ngay từ ngày xưa, người ta đã mặc định tất cả các ngành có từ “sư” như Kỹ sư, Kiến trúc sư đều ám chỉ nam giới, những thứ nặng nhọc và vất vả thì đàn ông sẽ gánh vác; còn phụ nữ thì hợp với những việc nhẹ nhàng. Đặc biệt là trong kiến trúc, khoảng những năm 70-80, trường Kiến trúc không hề có toilet nữ, vì số lượng nữ theo học quá ít. Nhưng thật ra, đây cũng không hẳn là “định kiến” mà là dòng chảy, là tư duy sống của xã hội, nhất là xã hội Việt Nam - nơi phát triển chậm hơn thế giới bên ngoài. 

KTS. Phạm Thị Ái Thuỷ: Khi nhà thầu tiếp cận với một Kiến trúc sư, họ cũng chưa bao giờ quan trọng việc người này là nữ hay nam, họ chỉ quan trọng rằng mình có đáp ứng được yêu cầu của họ hay không. Còn về định kiến giới, mình nghĩ không nên nói về từ bình đẳng giới, mà là công bằng giới. Ví dụ như mình hiểu bình đẳng có nghĩa là ở trên cây có một cái trái. Cùng tầm cao thế này, bình đẳng là “tôi cho hết mọi người một cái ghế ở một tầm cao như nhau, anh là con trai thì anh cũng đứng trên ghế đó, chị là con gái chị cũng đứng trên ghế đó, người lớn tuổi, ít tuổi, trẻ con đều đứng trên tầm ghế đó và bằng nội lực cá nhân, anh làm sao hái được cái trái này thì có nghĩa là ai cũng như nhau. Còn công bằng là gì, tùy theo năng lực và hình thức của từng người, tùy theo tình huống mà chúng ta cho họ những cái ghế cao tương ứng. Mình nghĩ “công bằng giới” mới là một từ phù hợp hơn.

Theo hai nữ KTS đã gặt hái không ít thành công với nghề, việc phái nữ theo nghề Kiến Trúc sẽ gặp những khó khăn gì?

KTS. Naomi Thuỷ Nguyễn: Từ dùng đúng nhất ở đây là “yếu thế”. Người phụ nữ không thể có sức khoẻ như đàn ông. Một câu chuyện thứ hai đó chính là “độ nhạy cảm”. Thông thường, tâm lý của phụ nữ không cứng cỏi được như đàn ông. Khi tuyển dụng, mình rất ngại tuyển nhân viên nữ vì tính mình hay nóng nảy, sợ rằng khi mình la, họ sẽ khóc. 

KTS. Phạm Thị Ái Thuỷ: Một cái e ngại của KTS nói riêng lẫn phái nữ nói chung đó chính là câu chuyện sinh nở. Một người phụ nữ khi sinh con sẽ mất ít nhất 1 năm, tính luôn vấn đề chăm sóc sẽ mất khoảng 3 đến 5 năm. Có nghĩa là chặng đường của họ đã bị gián đoạn và mất tập trung trong 1 đến 3 năm rồi. Vậy thì đối với nam giới, các bạn ấy không bị ảnh hưởng bởi chuyện này. Vậy nên trong lộ trình của cả hai giới, người nam sẽ luôn đi xa hơn nếu cả hai ở cùng một xuất phát điểm. 

Một nữ KTS sẽ cần những tố chất gì để vươn đến thành công?

KTS. Naomi Thuỷ Nguyễn: Thực ra tố chất nó phải đi ra từ cái tâm con người trước đã. Khi bạn chọn một công việc, bạn không nên nghĩ rằng đó là sở thích, mà hãy xem đó là một cái nghề. Mình phát triển, mình tồn tại và mình sống với nó thì buộc lòng mình phải yêu nó, phải tích cực với nó, phải bất chấp vượt qua tất cả những thách thức mà nó đặt ra. Không ai sống thay mình cả, mình phải là người quyết định điều đó.

KTS. Phạm Thị Ái Thuỷ: Một tố chất KTS cần có đó chính sự am hiểu, đa ngành nghề, đa góc cạnh. Không phải anh làm Kiến trúc sư là anh không cần am hiểu về du lịch, văn hóa, kinh tế. Bài toán đó là một cái bài toán cộng hưởng, người Kiến trúc sư phải là người có khả năng làm việc với tất cả các mã ngành nghề khác nhau, đồng thời trích lặp lại những logic và dựa trên cái bối cảnh để đưa ra định hướng phù hợp nhất. Việc này thì cần quá trình trau dồi chứ không phải ngày một, ngày hai mà đạt được.

Đâu là những bài học tâm đắc mà cả hai muốn truyền đạt đến các KTS trẻ nói chung và các nữ KTS trẻ nói riêng?

KTS. Naomi Thuỷ Nguyễn: Đối với mình thì các bạn trẻ ngày nay là những người hạnh phúc nhất. Sự phát triển của mạng xã hội giúp các bạn thụ hưởng nhiều nhất mà không bị mất thời gian. Chúng tôi có được ngày hôm nay thì chúng tôi phải tốn 20 năm hoặc trên 20 năm trải nghiệm. Với những gì mình đã chia sẻ, mình mong các bạn sẽ ít nhiều có được trải nghiệm của riêng mình, tránh được những điều nên tránh và có thể chọn được một con đường tắt nhanh hơn.

KTS. Phạm Thị Ái Thuỷ: Bài học mình muốn nói chắc là ý chí. Một câu chuyện trong nghề Kiến trúc mà ai cũng gặp phải đó chính là làm đêm. Sinh viên khoảng 3-4 năm sau khi ra trường việc làm xuyên đêm là rất bình thường. Nên mình hãy xác định đánh đổi, hãy xác định mình là những “viên đá” và cố gắng mài giũa đến khi thành ngọc. Thật ra đối với ngành nghề nào cũng vậy, nếu các bạn không giữ vững chí hướng mà cứ “nhảy đi nhảy lại” thì cũng rất khó để thành công.


Xem đầy đủ Podcast 1 tại đây: 

Youtube: https://www.youtube.com/@x-hubvietnam3670 

Spotify: https://open.spotify.com/show/6uJIHDB4VHWfAG0bUMw8x4 

ALP Mini-talk Mùa 3: The Un-Gap | Không khoảng cách là chuỗi Podcast thảo luận chuyên đề dành cho cộng đồng Kiến trúc - Thiết kế tại Việt Nam. Podcast được phát triển từ chuỗi hoạt động của chương trình Architecture Leader Perspective do LIXIL Việt Nam sáng lập và tổ chức từ năm 2016, nhằm kết nối, tạo động lực và truyền cảm hứng để kiến tạo một cộng đồng Kiến trúc - Thiết kế gắn kết, cùng phát triển.

Tin tức liên quan

Tin tức mới